“Mười mấy năm nay, tôi che tạm mái trại này để kinh doanh phế liệu, còn nhà thì ở bên kia đường. Đa số bà con khu vực này đều ở cố cựu, đất do ông bà để lại. Trước đây, Nhà nước có giải tỏa nhưng không bố trí tái định cư, nên người dân tiếp tục ở lại, sử dụng đất đến nay, khi nào giải tỏa di dời, bố trí nơi ở mới thì họ sẽ chấp hành tháo dỡ theo quy định. Thực tế, có hộ chỉ sử dụng phạm vi đất ở mé sông trong phần đất của gia đình, chứ không lấn lòng sông, kênh, rạch. Có hộ thì che cất lấn chiếm kênh, rạch, nhưng có làm cam kết tháo dỡ khi bị giải tỏa” - ông Nguyễn Phương Tuấn (ngụ ở rạch Trà Ôn, phường Bình Khánh) phân trần.
Tương tự, chị Tám Hồng, sống gần đó, cam đoan: “Nhà tôi ở trong hẻm, không mua bán làm ăn được. Tôi xuống mé kênh này che tạm mái trại nhỏ để bán thức ăn sáng. Khi nào Nhà nước giải tỏa, yêu cầu tháo dỡ tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành”.
Trên địa bàn phường Bình Khánh còn rất nhiều hộ dân che chắn lều, trại, cất nhà trên sông, kênh, rạch để mua bán kinh doanh, chất chứa vật dụng… Theo lãnh đạo UBND phường, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Long Xuyên, UBND phường Bình Khánh thường xuyên cử cán bộ chuyên môn kết hợp các tổ, khóm tăng cường kiểm tra, kiên quyết không để phát sinh tình trạng tái chiếm, cất mới; kịp thời ngăn chặn xử lý nếu phát hiện trường hợp vi phạm mới lấn chiếm lòng sông, kênh rạch.
Hiện nay, trên địa bàn phường có trên 100 hộ dân (rạch Trà Ôn 36 hộ, rạch Trà Vơ 16 hộ và rạch Thông Lưu 59 hộ) che chắn, cất lều, trại trên sông, kênh, rạch để buôn bán. Phường đang có kế hoạch kiểm tra, rà soát, lập biên bản trường hợp vi phạm để vận động buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, đối với các hộ dọc theo rạch Trà Ôn, do quá trình lịch sử để lại trước đây, khi có chủ trương giải tỏa, một số hộ không đi, vẫn bám trụ ở lại cho đến nay; một phần do Nhà nước không đủ nền bố trí tái định cư nên họ chưa di dời. Đối với khu vực rạch Trà Vơ, địa phương đã có kế hoạch san lấp, tuy nhiên vẫn phải chờ chủ trương.
Là địa bàn giáp ranh với phường Bình Khánh, phường Bình Đức cũng gặp phải việc một số hộ lấn chiếm sông, kênh, rạch kéo dài. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đức Nguyễn Thế Mỹ, từ đầu năm 2018, địa phương đã đề ra kế hoạch tháo dỡ lều, trại vi phạm hành lang sông, kênh, rạch; thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác các khóm.
Trước mắt, tiến hành rà soát, thống kê lập danh sách từng trường hợp vi phạm cụ thể, nắm rõ hoàn cảnh sống của hộ dân, kết cấu kiến trúc và thời gian vi phạm. Sau đó tổ chức họp dân tuyên truyền, thông báo về chủ trương, kế hoạch, các quy định của pháp luật liên quan về thực hiện xử lý vi phạm tháo dỡ liều trại vi phạm hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn các khóm theo từng cụm dân cư, tổ dân phố.
Trên cơ sở danh sách thống kê lều, trại vi phạm, tổ công tác các khóm tiến hành thông báo, lập biên bản vận động, cho bà con làm cam kết thời gian thực hiện tự tháo dỡ công trình vi phạm. Qua thời gian vận động, thông báo, cho cam kết tự tháo dỡ, tổ công tác kết hợp các ngành, khóm tổ chức ra quân cưỡng chế tháo dỡ. Thực hiện xong việc tháo dỡ, cho các hộ vi phạm làm cam kết không tái chiếm; giao trách nhiệm Trưởng khóm thường xuyên nắm địa bàn, khi phát hiện, kịp thời xử lý và báo về Tổ trật tự đô thị để huy động lực lượng lập biên bản, tháo dỡ nóng…
Vừa qua, khi đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP. Long Xuyên đến làm việc với UBND các phường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và nhiệm vụ, phương hướng năm 2018, vấn đề trên đã được nêu ra để xin ý kiến tháo gỡ. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phạm Thành Thái đã thống nhất giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với phường Bình Khánh và các phường, xã để thống nhất thực hiện; giao UBND phường Bình Khánh tham mưu UBND thành phố san lấp rạch Trà Vơ, xây dựng phương án để bố trí dân cư tại chỗ. Trường hợp không khả thi thì xem xét, bố trí về khu dân cư đại đoàn kết (mới) phường Mỹ Thới.
Một lều, trại cất trên rạch Trà Ôn
Bài, ảnh: K.N