Giảm nghèo bằng nghề… "xe ôm"

18/12/2023 - 19:28

 - Đó là mô hình mới của xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), kỳ vọng góp phần thực hiện thành công dự án 2 - đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo chủ trương chung, dự án 2 mang đến sinh kế cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 3 năm kể từ thời điểm được công nhận); ưu tiên hỗ trợ mô hình, dự án giảm nghèo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Quá trình hỗ trợ hướng về hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương; nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận chính sách, nguồn lực, thị trường.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, đến nay xã Mỹ Hòa Hưng đạt 17/19 tiêu chí, 55/57 chỉ tiêu NTM (2 tiêu chí chưa đạt gồm cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, môi trường); 15/19 tiêu chí, 69/75 chỉ tiêu NTM nâng cao (chưa đạt tiêu chí lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn). Về mức độ đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, địa phương tự đánh giá đạt 2/4 điều kiện, 3/8 lĩnh vực và 28/37 chỉ tiêu.

Trong đó, các điều kiện, lĩnh vực, chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến duy trì xã đạt NTM nâng cao, thu nhập bình quân hơn 74 triệu đồng/người. 5 lĩnh vực chưa đạt, gồm: Tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch và môi trường. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, nông thôn mới nâng cao và phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu là trọng trách nặng nề đang được địa phương thực hiện.

Đánh giá lại tiềm năng, xã NTM Mỹ Hòa Hưng mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Những năm gần đây, địa phương thu hút rất đông khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Họ đến để thưởng lãm cảnh đẹp, trải nghiệm đời sống văn hóa độc đáo của người dân An Giang, với khoảng 100 ngôi nhà cổ, kiến trúc khá độc đáo. Để tạo điểm nhấn, nét đặc trưng cho du lịch địa phương, ngoài sản phẩm du lịch homestay, xã Mỹ Hòa Hưng chú trọng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, tận hưởng không gian đồng quê thú vị.

 “Nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế đó, đồng thời tạo nguồn sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn xã nói chung, hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nói riêng, mô hình “Xe Honda ôm” được ra đời. Đây là loại phương tiện đưa du khách khám phá cù lao Mỹ Hòa Hưng một cách độc đáo, bình dị, tiện lợi. Chúng tôi kỳ vọng mô hình giúp cho hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống, sớm vươn lên thoát nghèo” - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử cho biết.

Dự án hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu gần 970 triệu đồng (trong đó, vốn tự đóng góp của thành viên gần 400 triệu đồng), tạo điều kiện giúp các hộ dân mua sắm xe gắn máy, làm phương tiện hành nghề. Dự kiến, tổng thu nhập bình quân của mỗi hộ gần 7 triệu đồng/tháng. Trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc dự án, dự kiến doanh thu hơn 80 triệu đồng; hơn 70% hộ đủ khả năng “trả sổ” hộ nghèo, cận nghèo.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Hòa Hưng Lê Minh Tuấn được giao nhiệm vụ tổ trưởng, quản lý 30 thành viên trong tổ. “Theo quy định, UBND xã phân công cán bộ giảm nghèo đôn đốc, hướng dẫn hộ tham gia dự án tổ chức thực hiện việc quay vòng, luân phiên chuyển vốn trong cộng đồng, đảm bảo tỷ lệ, đúng thời hạn theo dự án đã được phê duyệt. Định kỳ, chúng tôi tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án gửi UBND các cấp. Hiện nay, các tổ viên đã mua sắm phương tiện, đang chờ được cấp biển số, sớm chính thức hoạt động” - ông Lê Minh Tuấn thông tin.

Ông Nguyễn Văn Chiền (ngụ ấp Mỹ Long 2) nhận được chiếc xe gắn máy trị giá gần 19 triệu đồng. Ông bày tỏ trong niềm vui: “Tài sản này đối với người khác nhỏ, nhưng với chúng tôi lại rất lớn, hy vọng giúp chúng tôi thoát cảnh nghèo khó, có cuộc sống, thu nhập ổn định hơn trong tương lai. Nhận được hỗ trợ, được tham gia mô hình này, tôi hứa sẽ sử dụng đúng mục đích, không ngừng nỗ lực vươn lên”.

Trách nhiệm của UBND xã là phối hợp cộng đồng dân cư xây dựng dự án; bình chọn, lập danh sách hộ tham gia đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới; có sự tham gia và cam kết của người dân trong xây dựng, thực hiện dự án, thu hồi kinh phí quay vòng. Điều này đồng nghĩa với việc, quá trình giảm nghèo bền vững phải đến từ tinh thần chủ động của các bên, đặc biệt là người nghèo. Họ được “trao cần câu”, chứ không thể trông chờ cấp phát “con cá”.

GIA KHÁNH