Giảm nghèo ở xã đặc biệt khó khăn

19/03/2024 - 06:14

 - Lê Trì là xã miền núi, dân tộc và là xã nghèo của huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) có diện tích tự nhiên hơn 2.677ha, dân số hơn 2.000 hộ với 8.204 nhân khẩu. Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống, chiếm hơn 50% dân số toàn xã. Thực hiện chương trình giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, địa phương đã tích cực triển khai các chính sách để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng, từng bước cải thiện đời sống.

Diện mạo nông thôn ngày một đổi mới của xã Lê Trì

Hộ của ông Chau Kên (ngụ ấp An Thạnh) là một trong những hộ vừa thoát nghèo năm nay. Trước đây, cả gia đình ông Chau Kên sống bằng nghề làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Địa phương đã ưu tiên chọn để ông được trao 1 con bò trong đợt hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Tri Tôn, do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động. Sau thời gian nuôi, bò đẻ thêm 1 con nhỏ, đang phát triển khỏe mạnh.

Gia đình ông Chau Kên còn tự mua thêm 1 con bò để tăng số lượng nuôi vỗ béo. Với những hộ có ý chí, quyết tâm và chăm chỉ như gia đình ông Chau Kên, địa phương càng nhiệt tình quan tâm, từng bước hỗ trợ họ vươn lên khấm khá. Cuối năm 2023, toàn xã có 59 hộ thoát nghèo, trong đó 43 hộ thoát hẳn diện nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Trì Nguyễn Văn Dũng cho biết, trên địa bàn chủ yếu phát triển nông nghiệp, đa số người lao động làm thuê và làm rẫy. Trong công tác giảm nghèo, xã được quan tâm đầu tư về kinh tế hạ tầng, nhà ở, đa dạng hóa sinh kế. Bên cạnh đó, chương trình chăm lo đồng bào DTTS còn hỗ trợ địa phương các chủ trương trợ giúp bà con mua sắm máy móc nông cụ, nước sinh hoạt, các công trình hạ tầng.

Từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm qua, xã Lê Trì thực hiện 4 công trình duy tu sửa chữa đường và nạo vét mương thoát nước, tổng chiều dài 4.419m, tổng vốn đầu tư hơn 15,1 tỷ đồng. Về nhà ở, đã hoàn thành 62 căn, tổng số tiền khoảng 2,6 tỷ đồng.

Trong đó, cất mới 21 căn nhà tiền chế từ nguồn của Ban Trị sự Trưng ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; 3 căn nhà Tình thương từ nguồn của Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh; còn lại là Mái ấm ATV, nhà Đại đoàn kết do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. Ngoài ra, có 2 căn nhà tổng trị giá 88 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ.

Song hành với chính sách “an cư” cho người nghèo, xã Lê Trì đã hỗ trợ 9 hộ nghèo và cận nghèo 9 con bò giống thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn làm chủ đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo.

Đoàn thanh niên xã xét chọn 30 thanh niên thuộc diện hộ nghèo có tinh thần chí thú làm ăn tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ 30 con bò phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do Trung tâm hỗ trợ thanh, thiếu nhi Việt Nam (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam làm chủ dự án).

Cùng với đó, thụ hưởng từ chương trình chăm lo đồng bào DTTS, có 17 hộ nghèo được hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ, mỗi hộ 10 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ nước sinh hoạt, trong đó có 6 hộ nghèo sống ven chân núi gặp khó khăn về nước sinh hoạt đã được cấp thùng chứa nước. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung tổng số 4 công trình, chiều dài 3.888m, mức đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS các ấp: Sóc Tức, An Thạnh, Trung An.

Hiện nay, xã Lê Trì còn 202 hộ nghèo (712 nhân khẩu), trong đó 149 hộ là đồng bào DTTS Khmer. Địa phương đánh giá, trong khả năng nguồn ngân sách nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao… là khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Năm 2024, xã tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Chỉ tiêu phấn đấu trong năm nay về thu nhập bình quân 43 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%; có 60 lao động được đào tạo…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Trì Nguyễn Văn Dũng, trong định hướng và giải pháp phát triển kinh tế, xã chú trọng mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong Nhân dân theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Song song với chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, cây màu, dược liệu… sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, có lợi nhuận, phù hợp để người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trong nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, xã Lê Trì đang tập trung giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng và tiến bộ xã hội. Giải pháp được ưu tiên là đẩy mạnh các phong trào chăm lo hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống.

MỸ HẠNH