Giảng dạy bậc tiểu học trong tình hình dịch bệnh

27/09/2021 - 04:59

 - Năm học 2021-2022 bắt đầu khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa tổ chức hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học là thách thức đối với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đặc biệt ở cấp tiểu học.

Ngày trước, cứ sau tiếng trống khai giảng, phụ huynh phấn khởi đưa con vào lớp học. Trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay, các em phải làm quen với việc “đến trường tại nhà”. Những ngày đầu thực hiện, không thể tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học Võ Văn Quới  (Sở GD&ĐT) An Giang  cho biết, toàn tỉnh hiện có 319 trường tiểu học với 6.225 lớp, 180.000 học sinh. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Dù điều kiện khó khăn, nhưng ngành GD&ĐT đã chủ động, linh hoạt triển khai đổi mới chương trình một cách hiệu quả theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đối với bậc tiểu học, dạy học trực tiếp đã khó, dạy học trực tuyến càng khó khăn hơn. Sở GD&ĐT An Giang chỉ đạo các trường tiểu học chủ động rà soát điều kiện dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh để kịp thời hỗ trợ.

Trong quá trình dạy học trực tuyến, giáo viên sinh hoạt làm quen với học sinh và chia lớp thành các tổ; hướng dẫn học sinh thao tác sử dụng phần mềm để học trực tuyến (có sự hỗ trợ của phụ huynh): cách mở máy, cách vào phòng học (máy tính bàn cần trang bị thêm webcam và micro…), sử dụng các chức năng của phòng học; thông báo thời gian học, thời khóa biểu…

Học sinh Trường Phổ thông thực hành Sư Phạm trong giờ học trực tuyến. Ảnh: H.H

“Ý thức được việc học trực tuyến khó khăn hơn nhiều so với học trên lớp, nên tôi hướng dẫn học sinh học chậm hơn bình thường, tránh tạo áp lực triệt tiêu hứng thú học tập của học sinh. Thời gian đầu, chỉ tổ chức những buổi trò chuyện, chia sẻ về thói quen, sở thích để tạo sự gần gũi, cho các em tương tác với nhau” - một giáo viên dạy lớp 3 chia sẻ.

Sở GD&ĐT An Giang  lưu ý, đối với học sinh lớp 1 và 2, giáo viên cần tập trung hình thành 4 kỹ năng cơ bản: nghe -  nói - đọc - viết và kỹ năng tính toán cơ bản; dạy 1 ngày không quá 3 tiết, mỗi tiết không quá 25 phút, để hạn chế việc trẻ tiếp xúc quá lâu với máy tính.

Đối với lớp 3, 4, 5, giáo viên cần hình thành kỹ năng cơ bản về đọc (đọc đúng, rõ ràng, tốc độ đọc), viết chính tả (viết đúng chính tả, tốc độ viết); tập làm văn (dùng từ đặt câu, làm bài văn cơ bản); kỹ năng tính toán cơ bản. Dạy 1 ngày không quá 4 tiết, mỗi tiết không quá 30 phút. Các kiến thức khác sẽ được thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ thực hiện ngoài giờ học trực tuyến.

Một vấn đề quan trọng là năm học này, học sinh lớp 2 học chương trình, sách giáo khoa mới với những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học. Điều này đòi hỏi giáo viên nỗ lực hơn trong thiết kế, tổ chức bài giảng.

Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm yêu cầu giáo viên cần nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên và tài liệu tập huấn để soạn giảng phù hợp với điều kiện của đơn vị và đối tượng học sinh. Bài giảng cho học sinh tiểu học cần thiết kế thật hấp dẫn, ngắn gọn, nên xen lẫn trò chơi để kích thích sự hứng thú của học sinh; sử dụng màu sắc, âm thanh sinh động. Giáo viên cần linh động xây dựng phân phối chương trình (lịch báo giảng) một cách phù hợp nhất cho lớp mình phụ trách.

Khác với học sinh khối lớp lớn, học sinh tiểu học không hiểu được học trực tuyến là gì. Sinh hoạt lớp, kết nối với giáo viên chủ nhiệm, chuẩn bị trang thiết bị, cài đặt phần mềm, công cụ học tập… là những việc phụ huynh cần làm để con tham gia lớp học. Do đó, phụ huynh phải tự tháo gỡ nhiều cái khó khi cho con học trực tuyến, nhưng khó nhất là tâm lý.

Chị N.T.S (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Ban đầu, tôi băn khoăn lắm, khi con mới học lớp 1, không biết mặt giáo viên chủ nhiệm, bạn bè, làm sao để quen nền nếp lớp học? Rồi phát âm, viết chữ thế nào, con có ngồi yên học được không? Sau khi tìm hiểu về chủ trương của ngành giáo dục, ý kiến của chuyên gia, tôi quyết định đồng hành cùng con. Hiện tại, tôi dành thời gian rảnh để đọc bộ sách lớp 1, biết nội dung con sẽ học để phối hợp tốt với giáo viên”.

Chị Nguyễn Lại Thanh Trúc (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) góp ý: “Trong thời điểm khó khăn này, tôi đồng tình với phương án dạy trực tuyến. Chỉ mong giáo viên đầu tư thêm nội dung bài giảng, xây dựng kho học liệu phong phú, gần gũi, dễ hiểu hơn”.

Trong giai đoạn chuyển nền giáo dục từ truyền thống sang kết nối công nghệ hiện đại, bao giờ cũng khó khăn, thiếu sót. Điều quan trọng là mọi người cần có sự nhìn nhận tích cực, khó đến đâu khắc phục đến đó. Tất cả cùng phấn đấu vì mục tiêu: vừa thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành chương trình giáo dục năm học với phương châm “dừng đến trường, không dừng học”.

Sở GD&ĐT An Giang lưu ý, giáo viên thường xuyên liên lạc, phối hợp, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh học tập tại nhà đạt hiệu quả. Nhắc nhở phụ huynh quan tâm đảm bảo điều kiện an toàn về điện trong quá trình học tập. Sau khi hết giãn cách, học sinh trở lại trường học trực tiếp, sẽ được bổ sung kiến thức, phụ đạo những nội dung còn hạn chế trong quá trình học trực tuyến. Trong đó, tập trung rèn kỹ năng đọc - viết cho học sinh lớp 1, 2…

HỮU HUYNH - TRÚC PHA