Củng cố lũy thép trên biên giới
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang quản lý đoạn biên giới quốc gia dài 98,2km, tiếp giáp tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng nặng nề, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ luôn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức QPAN - nền tảng để triển khai các mặt công tác khác. Hàng năm, đối tượng bồi dưỡng kiến thức QPAN được cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, đăng ký, quản lý chặt chẽ, đúng quy định.
Cùng với đó, tăng cường giáo dục QPAN cho Nhân dân khu vực biên giới. Theo đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, công tác phổ biến kiến thức QPAN cho cán bộ, chiến sĩ và toàn dân trong khu vực đóng quân, khu vực trọng điểm, tuyến biên giới được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa vào nghị quyết hàng năm. Đội ngũ báo cáo viên có trình độ, năng lực, uy tín, trách nhiệm. Gần 2 năm qua, đơn vị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, QPAN cho hơn 1.500 lượt cán bộ, quần chúng Nhân dân; phối hợp xây dựng nội dung trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng; cập nhật bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt, bồi dưỡng đúng đối tượng theo phân cấp.
Tuyên truyền pháp luật cho học sinh biên giới
“Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo, dần đưa công tác giáo dục QPAN đi vào nền nếp, chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; nhận thức của cán bộ về kiến thức QPAN được nâng lên. Nhân dân khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố QPAN tại địa phương, cơ sở” - đại tá Trần Quốc Khánh thông tin.
Truyền lửa yêu nước của tuổi trẻ
Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) dần khẳng định thương hiệu trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở khu vực ĐBSCL. Trường trang bị hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ, gồm: Khu nhà làm việc, giảng đường, hội trường, ký túc xá, nhà ăn, thư viện, kho quân trang, quân khí, thao trường kỹ - chiến thuật…; bố trí 10 giảng viên và 1 trợ giảng, đảm bảo cho việc giảng dạy và hoạt động của bộ môn Giáo dục QPAN. Từ năm 2022 - 2024, hơn 14.200 sinh viên được giáo dục QPAN, trong đó tỷ lệ giỏi chiếm hơn 34%, khá 26%.
ThS Hồ Văn Tú (Trưởng bộ môn Giáo dục QPAN của trường) thông tin: “Thuận lợi lớn của chúng tôi là có đội ngũ giảng viên đủ năng lực chuyên môn, hiểu biết về nghiệp vụ sư phạm, có truyền thống, kinh nghiệm trong giảng dạy môn học QPAN, giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức tuân thủ pháp luật cho người học; luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp mềm dẻo giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết và thực hành, lấy người học làm trung tâm. Đặc biệt, 2 giảng viên đã đạt giải “Giảng viên giỏi toàn quốc” tại hội thi năm 2014”.
Ở cấp tiểu học, THCS, giáo dục QPAN được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp lứa tuổi, bảo đảm cho học sinh hình thành hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Ở cấp THPT, giáo dục QPAN trở thành môn học chính khóa, giúp học sinh hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Ở cấp cao đẳng, đại học, sinh viên phải nhận thức cơ bản về chủ trương, đường lối QPAN của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, yêu CNXH; nắm được kiến thức cơ bản về công tác QPAN, công tác quân sự trong tình hình mới…
Kiện toàn bộ máy, nâng chất hiệu quả
Tháng 9/2024, thiếu tướng Quách Văn Nhỏ, Phó Tư lệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục QPAN Quân khu 9 đến kiểm tra các đơn vị ở tỉnh An Giang, ghi nhận sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, giúp công tác giáo dục QPAN đi vào nền nếp, có chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, cán bộ giảng viên, sinh viên, người dân ngày càng nâng lên.
Kết luận các buổi kiểm tra, thiếu tướng Quách Văn Nhỏ nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN với lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, toàn dân trong khu vực đóng quân của đồn, trạm, khu vực biên giới, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác rà soát, quản lý, phân cấp đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QPAN đảm bảo chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; nâng cao chất lượng, bảo đảm điều kiện dạy học môn Giáo dục QPAN cho sinh viên (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, vũ khí trang thiết bị, thao trường, bãi tập, giáo trình…). “An Giang cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về giáo dục QPAN; các văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện của Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương, Quân khu 9. Bên cạnh đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp, phải chú ý duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, kỷ luật, tuần tra, canh gác, trực ban, trực chỉ huy… không để xảy ra mất an toàn về người, phương tiện, trang thiết bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy” - thiếu tướng Quách Văn Nhỏ lưu ý.
Thực tiễn cho thấy, kiến thức QPAN phải được giáo dục thường xuyên cho mọi đối tượng, nội dung phải phù hợp với tình hình trong nước và khu vực, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt này sẽ thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc.
GIA KHÁNH