Giáo dục kỹ năng sống dịp hè với nhiều hoạt động thiết thực
“Muốn con tránh xa thiết bị điện tử, tôi đăng ký khóa học kỹ năng sống theo sở trường và năng khiếu của con. Lớp học không chỉ rèn luyện cho con giờ giấc ăn, ngủ khoa học, đảm bảo sức khỏe, mà còn đào tạo kỹ năng bổ ích, lý thú ở nhiều lĩnh vực, như: Giao tiếp, xử lý tình huống, tự tin, tư duy... Qua đó, hình thành kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho con” - chị Nguyễn Thanh Thủy (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ.
Thời điểm này, nhiều phụ huynh đã và đang tìm hiểu, đăng ký các lớp học kỹ năng sống. Chị Nguyễn Thị Hồng Lan (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết: “Xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong khi phụ huynh bận rộn, không thể quán xuyến hết suy nghĩ, việc làm các em. Do đó, rất cần trang bị kỹ năng sống cần thiết, rèn luyện cho các em sự hiểu biết, tự tin, chủ động đối phó với tình huống bất thường có thể xảy ra. Hè năm nay, gia đình tôi tìm hiểu trung tâm giáo dục kỹ năng sống uy tín, đăng ký cho con mình học bơi, múa, võ thuật... Trước mắt, tôi ưu tiên cho con học bơi, để con biết bảo vệ bản thân, phòng, chống tai nạn đuối nước”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm, bình quân 15 - 20 trẻ em chết do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế; việc trang bị kiến thức, kỹ năng trong nhân dân còn dàn trải; ý thức chấp hành pháp luật và quy định về an toàn giao thông của một bộ phận dân cư chưa nghiêm. Bên cạnh đó, nhận thức của trẻ em rất non nớt, chưa lường hết mối nguy hiểm đe dọa. Vấn đề an toàn cho trẻ em (ở môi trường gia đình, nhà trường, xã hội), đặc biệt là môi trường gia đình chưa thật sự bảo đảm.
Vậy nên, các đơn vị liên quan vừa ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế (thông qua các dự án liên quan phòng, chống đuối nước trẻ em), vận động tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình tham gia, bằng việc áp dụng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
Thời gian nghỉ hè khá dài, là cơ hội tốt để giáo dục toàn diện cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng sống. Thực tế, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ được toàn xã hội, ngành giáo dục và mỗi gia đình quan tâm định hướng từ nhiều năm nay, giúp trẻ trưởng thành, tự tin, thích nghi với hoàn cảnh, sống có trách nhiệm. Tại các địa phương, việc tổ chức sân chơi, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, nhất là trong dịp hè được quan tâm thực hiện. Theo đó, đoàn thanh niên địa phương triển khai hoạt động hè, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, vẽ, bơi lội... cho trẻ em sinh hoạt. Thông qua sinh hoạt hè, các em nhỏ cũng được phổ biến một số kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống xâm hại, bạo lực...
Dự kiến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trại hè cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào ngày 3 - 5/7, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hơn 80 trẻ em Trường Trẻ em khuyết tật, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tham gia. Tại hội trại, các em được biểu dương thành tích vượt khó học giỏi; tham quan khu di tích văn hóa, lịch sử. Đồng thời, tham gia tập huấn và thực hành kỹ năng sống; phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em; sinh hoạt trò chơi dân gian, năng khiếu và vận động... Đây là hoạt động hàng năm, giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận sân chơi lành mạnh, vui tươi và bổ ích. Qua đó, kêu gọi toàn xã hội cùng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là giáo dục toàn diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Việc rèn luyện kỹ năng sống, dù ở hình thức nào cũng hướng đến mục tiêu trang bị kiến thức cuộc sống cho các em, tạo động lực, hứng khởi để trẻ bước vào năm học mới.
SONG MINH