Giáo viên nghỉ dịch bệnh covid-19, làm gì?

27/02/2020 - 07:44

 - Mùa dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ học có cái lo của học sinh, giáo viên nghỉ dạy cũng có cái lo của giáo viên. Vậy, giáo viên nghỉ dạy mùa dịch bệnh làm gì? Đâu đó vẫn có những câu hỏi như vậy, rồi lại cho rằng nghề giáo viên ấy thế mà… nhàn. Thật ra, có trò chuyện và lắng nghe tâm sự của những người làm thầy, mới thấy hết nỗi lo lắng và công việc của họ.

Với đặc trưng của nghề dạy học, giáo viên dạy theo đúng tiến trình, kế hoạch công việc trong cả một năm học, kể cả việc nghỉ hè cũng theo quy định. Khi tạm thời nghỉ dạy để phòng, chống dịch bệnh, giáo viên sẽ phải dạy bù. Và kỳ nghỉ hè của họ có thể sẽ rút ngắn để đảm bảo kế hoạch giảng dạy.

Cách đây không lâu, khi học sinh nhận được thông báo nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dư luận rộ lên nhiều ý kiến “phân bì” với nghề giáo viên. Xã hội đã phân chia cấp bậc, ngành nghề, mỗi công việc có tính chất đặc thù khác nhau, thật khập khiễng nếu đem so sánh nghề giáo với bất cứ nghề nào khác trong xã hội.

Bởi, chỉ những ai đã và đang trong ngành giáo dục mới hiểu: nghỉ dịch chứ không nghỉ dạy. Vì thế, mới có hình thức giáo viên và học sinh dạy và học trực tuyến trong mùa dịch bệnh. Và thực tế, thời gian nghỉ học mùa dịch bệnh Covid-19, công việc giáo viên rất đa dạng, tùy theo vị trí công việc và thực tế từng trường hay địa phương. 

Giáo viên tích cực tham gia tổng vệ sinh trường lớp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cô Trần Thị Châu Trân (giáo viên Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Buồn lắm chứ, nhưng chỉ chúng tôi mới hiểu hết công việc của mình. Cái nhàn tạm thời nhiều người vẫn cho là vậy, với chúng tôi là bao lo lắng, ngổn ngang tâm trạng vì biết chắc rằng khi quay trở lại lịch dạy và học, chúng tôi phải hoạt động hết công suất. Khi nghỉ dịch bệnh, ngoài tham gia vệ sinh trường lớp, tôi còn nghiên cứu, soạn thêm nhiều bài giảng, bài tập gửi qua các nhóm học sinh để các em làm và gửi ngược lại cho tôi sửa.

Thời gian qua, tôi đã làm như vậy và thấy học sinh rất tích cực tham gia làm bài tập. Chỉ việc soạn rồi sửa bài cho các em và hồi đáp đã mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên trao đổi với phụ huynh để trấn an và nắm bắt tình hình của các em như thế nào; nhắc nhở học sinh thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh cũng như chăm sóc bản thân để có sức khỏe tốt nhất khi quay trở lại học kỳ II”.

Giáo viên với nhiều nỗi lo như: phòng, chống dịch bệnh ở trường và của học sinh đến sợ các em nghỉ học lâu quá quên bài rồi xao nhãng việc học… Đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp, cô Trân cho rằng, vừa phải tìm cách trấn an tâm lý học sinh, vừa phải đôn đốc, nhắc nhở hàng ngày để các em tự học ở nhà.

“Vào học lại, học sinh nghỉ học thời gian dài như vậy, việc quên kiến thức là điều chúng tôi lo lắng nhất. Việc vừa dạy, vừa ôn kiến thức cũ sẽ khiến tiến độ dạy học chậm lại, cực giáo viên và cực cho học sinh” - cô Trân tâm sự thêm. Có giáo viên tranh thủ thời gian này soạn giáo án hoặc đọc sách, tài liệu liên quan môn học nhằm trau dồi kiến thức cho bản thân cũng là để đỡ nhớ nghề trong thời gian nghỉ dạy vì dịch bệnh.

Giáo viên các địa phương đã tham gia công việc vệ sinh trường lớp, sát khuẩn, chuẩn bị đón học sinh quay lại trường khi hết dịch bệnh. Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu, An Giang), công tác truyền thông dịch bệnh Covid-19 đến học sinh được trường quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Theo đó, ban giám hiệu thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh… về tình hình, diễn biến dịch bệnh từ đó phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Trường đã mua sắm bổ sung một số trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết cho công tác phòng ngừa dịch bệnh như: khẩu trang, nước rửa tay, nước lau sàn. Trường đang đăng ký mua nhiệt kế hồng ngoại và nước rửa tay khô; tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, các phòng học bộ môn, nhà vệ sinh từ khi nghỉ dịch bệnh đến nay được 3 đợt.

Với giáo viên, hơn bao giờ hết họ là người hy vọng sớm được quay lại trường, lớp, bục giảng để tiếp tục truyền tri thức cho học sinh thân yêu.

PHƯƠNG LAN