Giáo viên trẻ sáng tạo dạy học

29/09/2021 - 04:27

 - Mong muốn giờ học môn Ngữ văn thêm sinh động, hấp dẫn; học sinh dễ dàng ôn tập lại nội dung bài học tại nhà, thầy Trần Minh Tâm (giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã có những sáng tạo trong thiết kế bài giảng, tạo nên tư liệu học tập hữu ích cho học sinh.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế bài giảng đặc biệt của mình, thầy Tâm cho biết: “Các phong trào khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy học và hàng loạt cuộc thi thiết kế bài giảng dành cho giáo viên đã thôi thúc tôi nghĩ ra ý tưởng cho môn chuyên ngành của mình. Năm học 2018-2019, tôi dự thi thiết kế bài giảng E-Learning do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, kết quả đạt giải B. Năm học 2020-2021, tôi tiếp tục nâng cấp sản phẩm dự thi và đạt giải B cấp tỉnh. Đây là niềm vui lớn của bản thân vì những nỗ lực sáng tạo được ngành công nhận và được các em học sinh yêu thích sử dụng”.

Thầy Tâm chia sẻ thêm, với cách dạy truyền thống, học sinh chăm chú lắng nghe trên lớp mới có thể cảm thụ tốt cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của từng tác phẩm văn học. Thế nhưng, sau đó các em chỉ nhớ được chút ít thông tin, đến khi ôn tập thì không thể nhớ hết những nội dung được thầy cô giảng dạy trên lớp. Chính vì vậy, thầy Tâm thiết kế tóm tắt nội dung bài giảng bằng nhiều slide trong Powerpoint, kèm theo đó là phần ghi âm bài giảng tương ứng với từng slide để học sinh tiện theo dõi.

“Lúc rảnh rỗi, tôi chuẩn bị nội dung bài giảng kỹ lưỡng, đầy đủ và mở rộng nội dung bài học, sau đó ghi âm lại. Như vậy, học sinh có thể vừa nhìn nội dung trọng tâm, vừa nghe lại được nội dung giảng sâu của bài học. Việc chuẩn bị bài giảng theo cách thức này tuy vất vả, nhưng với tình hình dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến như hiện tại thì “ngân hàng” bài giảng bấy lâu nay sẽ vô cùng hữu ích” - thầy Tâm bày tỏ.

Thầy Trần Minh Tâm đang dạy trực tuyến cho các em học sinh

“Năm học mới bắt đầu, học sinh các cấp phải học trực tuyến. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có trang thiết bị, đường truyền Internet để học tập. Có em phải mượn điện thoại của cha mẹ. Thậm chí, ở nhà không có điều kiện đăng ký gói Internet nên các em phải vào phòng thiết bị của trường để học tập. Những lúc như thế này, các em có thể xem và nghe lại bài giảng của tôi; mà không cần đến mạng Internet. Nếu em nào khó hơn nữa, có thể đến trường nhận tài liệu photocopy để tự học. Không dừng lại ở đó, sắp tới tôi sẽ cải thiện nội dung bài giảng, để những giờ học trực tuyến hay tự học của các em thêm sinh động, hấp dẫn. Có thể là lồng ghép những câu đố vui, trắc nghiệm, hình ảnh thực tế để các em thêm hứng thú học tập và khắc sâu nội dung bài học…” - thầy Tâm hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, thầy Trần Minh Tâm còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn trường. Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Khuyến, thầy đã có nhiều hoạt động nổi bật trong quản lý nền nếp học sinh, tăng cường nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, phẩm chất lối sống học sinh thông qua các bài phát thanh học đường, hướng dẫn tham gia hoạt động khiêu vũ nhằm nâng cao sức khỏe thể chất.

Ngoài ra, thầy còn tích cực phối hợp với Tỉnh đoàn, Đoàn Trường Đại học An Giang tham gia tổ chức lớp “Học làm người có ích” cho học sinh trong tỉnh, phong trào “Thủ lĩnh thanh niên”. Thầy từng đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh giai đoạn 2018-2020, đạt giải thưởng hội thi Báo cáo viên cấp tỉnh năm 2019...

Dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp có những đặc thù, điểm mạnh, yếu khác nhau. Trong tình thế bắt buộc này, việc dạy học trực tuyến phát huy thế mạnh. Để đạt được hiệu quả tối ưu, rất cần những mô hình, sáng kiến hiệu quả như thầy Tâm đang làm. Từ đó, cung cấp kiến thức đầy đủ nhất, tốt nhất cho học sinh thân yêu trong bối cảnh thích nghi lâu dài với dịch bệnh.

NGỌC GIANG