Gìn giữ nếp nhà

04/02/2022 - 08:01

 - Nếp nhà (còn gọi là gia phong)chính là điều dạy cho con người biết yêu thương gia đình, yêu thương lẫn nhau. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, “nếp nhà” với những giá trị cơ bản như nhân cách đạo đức, lối sống càng trở nên quan trọng để nuôi dưỡng những tế bào lành mạnh cho xã hội.

 

Dòng họ Dương mừng thọ các cụ cao niên dịp đầu xuân

Phát huy giá trị tốt đẹp

Những gia đình đa thế hệ chung sống gần nhau thường chú trọng tinh thần “Cây có cội, nước có nguồn” qua các hoạt động truyền thống mang tính nội bộ. Chẳng hạn lễ giỗ tổ thường diễn ra vào dịp đầu xuân, thuận tiện cho con cháu làm ăn xa có thể hội tụ về. Các thế hệ từ già đến trẻ đều được ôn lại lịch sử: Có dòng họ mạnh về làm ăn kinh tế; có dòng họ nêu cao tinh thần hiếu học; có dòng họ từ xa xưa đã ghi công lớn với đất nước, được vinh danh và thờ phụng.

Nếp nhà còn ý nghĩa trong dịp Tết đoàn viên. Gia đình nào cũng muốn nhân dịp đoàn tụ sẽ thêm gắn kết nghĩa tình, hướng con cháu về với cội nguồn. Những tập tục, như: Từ ngày 23 tháng Chạp cúng ông Táo, dọn dẹp và trang trí nhà cửa, chiều 28 cúng mâm cơm “rước” ông bà về ăn Tết, những ngày kế tiếp càng tất bật hơn với việc gói bánh, làm mứt, ra chợ hoa lựa mai vàng, vạn thọ, cúc đóa, trái cây... đến nay vẫn không thay đổi.

Tết đoàn viên càng ý nghĩa trong thời đại ngày nay, khi đa số con cháu trong gia đình đi làm ăn xa. “Mấy ngày giáp Tết là thời gian vui nhất, vì rất nhiều việc để làm, mọi thành viên cùng san sẻ từ việc nhỏ đến việc lớn. Bây giờ lặt lá mai, vệ sinh nhà cửa, sửa cây kiểng, gói bánh, chùi lư… đều có dịch vụ làm thay. Ấy là do điều kiện sống, công việc bận rộn nên có cầu ắt có cung. Nhưng nếu gia đình nào đông đủ, có thể tự làm hết các công việc kể trên thì quý lắm, cảm giác tự tay được góp không khí mùa xuân vào nhà, vui khó tả” - bà Nguyễn Kim Phượng (huyện Châu Phú) chia sẻ.

Gia đình bà Phượng có đến 5 thế hệ theo nghề giáo, là niềm tự hào và được lối xóm coi trọng. Ngoài răn dạy con cháu trong nhà những điều từ nhỏ nhặt đến ứng xử ngoài đời, người lớn luôn làm gương, sống mẫu mực và trân trọng những giá trị cội nguồn để lại.

Dịp Tết cổ truyền, đại diện Hội đồng họ Dương (huyện Chợ Mới) sẽ tổ chức thăm, chúc thọ và trao quà cho người cao tuổi. Đồng thời, trao tặng những phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương. Còn dòng họ Đoàn (huyện Phú Tân) tổ chức khen thưởng cho con cháu từ mẫu giáo đến đại học đạt thành tích học tập tốt, vinh danh các cháu đỗ đạt khoa bảng. Đầu xuân, con cháu dòng họ Đoàn đóng góp quỹ để mua tặng hàng trăm phần quà phát cho hộ nghèo có điều kiện vui Tết. Để giáo dục con cháu lối sống tiết kiệm, “tương thân tương ái”, dòng họ Đoàn còn phát động nuôi “Heo đất thiện nguyện”. Từ số tiền tiết kiệm chi tiêu, sau 1 năm, mỗi người dùng làm việc thiện theo tâm nguyện của mình.

Tết là để đoàn viên, sum họp bên gia đình

Trân trọng ý nghĩa đoàn viên

“Tết là để trở về”, trở thành câu nói quen thuộc trong chúng ta. Mọi người sẽ hỏi nhau khi nào về quê ăn Tết. Nhưng năm nay, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, một số người thay đổi câu hỏi thành “Năm nay có về quê ăn Tết không?”. Với rất nhiều lý do, các gia đình buộc phải gọi điện, livestream, gọi video call… để đoàn viên với gia đình thời COVID-19. Nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, sự xa cách được rút ngắn lại, dù không thể thay thế bằng hình ảnh tiếp xúc trực diện.

“Đã thành lệ, đêm Giao thừa cha tôi yêu cầu con cháu mặc áo dài để cúng tổ tiên, sau đó lần lượt thành viên chúc Tết, lì xì mừng tuổi và chụp chung 1 tấm ảnh kỷ niệm. Riêng em trai không về kịp, gặp nhau qua điện thoại vẫn khoe tổ ấm nhỏ bày trí đủ bánh trái, áo dài chỉnh tề như đang ở bên gia đình. Thôi thì Tết này không họp đông đủ thì chờ Tết năm sau. Quan trọng là sức khỏe, mọi người đều an toàn” - anh Nguyễn Văn Tâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Trong căn nhà sàn cất theo kiến trúc xưa, bà Trương Thị Út (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) dành một nơi trang trọng treo tấm bảng ghi chú đặc biệt. Trên đó, bà lưu lại ngày giỗ của ông bà bên nội lẫn bên ngoại, các ngày quan trọng cuối năm, duy ở hàng “họp mặt con cháu” là bỏ trống, bởi sẽ thay đổi tùy theo cách thu xếp của chúng. Lớp trẻ lớn lên đều đi làm tứ tán. Đó là cách để những người còn ở trong nhà ghi nhớ và nhắc nhở các con ở xa. Ngày giỗ có thể vắng mặt nhưng phải làm mâm cơm cúng để tỏ lòng hiếu. Còn dịp Tết, nhất định phải họp mặt bên nhau đầy đủ 1 ngày. Hai năm liên tiếp dịch bệnh xảy ra, số con cháu đông đến hàng chục của bà Út không thể họp mặt đông đủ, nhưng lễ nghĩa ngày Tết và những việc cần làm để đón năm mới thì bà căn dặn thực hiện không bỏ sót.

Và cũng bởi COVID-19, câu chúc Tết, tục lì xì đầu năm đã thay đổi ít nhiều so với trước đây. Chị Nguyễn Thảo My (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Bây giờ không còn nặng nề quan niệm Tết bên nội hay bên ngoại như xưa. Miễn tiện bề sắp xếp thì các gia đình đều đón Tết vui vẻ. Nhất là dịch bệnh ảnh hưởng, có khi ở rất gần mà chẳng thể gặp nhau, người thân, họ hàng chọn cách chúc Tết, lì xì online. Khác với sự biến tướng, hờ hững trong cách trao và nhận của một bộ phận người phó mặc vào công nghệ. Tôi cảm nhận nhiều người vẫn chăm chút thể hiện tấm lòng thành dù qua môi trường trực tuyến. Mà cái tình, cái nghĩa giữa người thân trong gia đình, bao giờ cũng là điều ý nghĩa và quan trọng nhất”.

Cùng với sự yêu thương, chia sẻ thì truyền thống gia đình đã bồi đắp nên những giá trị đẹp đẽ, gắn kết các thành viên để dù đi đâu, làm gì, ai cũng mong muốn được gần gũi, nương tựa sau những vất vả của cuộc sống. Mỗi gia đình gìn giữ những giá trị tốt đẹp, vun đắp qua nhiều thế hệ đã góp phần tạo nên giá trị bền vững, cái đẹp trong nếp sống của làng xã và cộng đồng.

MỸ HẠNH