Nam Định là nơi có nhiều gánh chèo, làng chèo nổi tiếng. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngày nay, các làn điệu chèo vẫn được nhân dân duy trì và gìn giữ, khẳng định sức sống của môn nghệ thuật này cũng như ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
AA
Các thành viên Câu lạc bộ hát chèo thôn Phú Văn Nam, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu (Nam Định) hầu hết là người cao tuổi nên việc gìn giữ nghệ thuật chèo đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu: Công Luật/TTXVN
Gánh chèo làng Đặng
Trong bài thơ “Mưa xuân”, nhà thơ Nguyễn Bính có câu “Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ”, làng Đặng ở đây chính là làng Đặng Xá, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - nơi có chiếu chèo nổi tiếng một thời. Nơi đây, người dân vẫn giữ nếp sinh hoạt của chiếu chèo, dù những người tham gia tuổi đã xế chiều.
Ông Đặng Mạnh Yêu, người say mê hát chèo cũng là người nỗ lực khôi phục gánh chèo của làng Đặng năm nay đã gần 90 tuổi. Ông Yêu kể, vùng Mỹ Lộc xưa kia có 3 làng chèo nổi tiếng là làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận); trong đó, chèo làng Đặng nổi tiếng hơn cả. Làng Đặng Xá xưa được coi là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống ở Nam Định.
Khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là gánh chèo làng Đặng bởi người trong thôn hầu hết là người họ Đặng. Trong những năm gian khó của đất nước, gánh chèo mang những vở chèo như, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính…với những lời ca, tiếng hát tha thiết đi phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, cổ vũ tinh thần lao động của nhân dân trong các hoạt động như lễ hội, vào mùa…
Thời điểm phong trào ca hát ở địa phương phát triển, đặc biệt là những năm đầu hòa bình, đội chèo có thời điểm lên tới hơn 30 thành viên. Đội chèo đi diễn ở đâu, nơi đó như có hội, người người, nhà nhà đi xem hát chèo. Ngoài phục vụ nhân dân trong tỉnh, đội văn nghệ làng Đặng còn phục vụ nhân dân các tỉnh khác. Từ những vở chèo cổ đến vở mới được cải biên dần ra đời để phù hợp hoàn cảnh đất nước từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân.
Trải qua thời gian, gánh chèo làng Đặng giờ chỉ còn lại một đội chèo là những người cao tuổi song vẫn tâm huyết, nặng lòng gìn giữ nghệ thuật truyền thống quê hương. Đội chèo cùng nhau luyện tập những lúc nông nhàn, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có tiết mục đặc sắc phục vụ dịp hội làng và sự kiện lớn của địa phương.
Bà Đặng Thị Phương, thành viên đội chèo làng Đặng cho hay, ngày nay, đời sống phát triển, nhiều hình thức giải trí mới ra đời nhưng người dân vẫn ý thức rằng phải giữ gìn truyền thống của quê hương, trao truyền loại hình nghệ thuật này cho lớp trẻ để nét đẹp văn hóa không bị mai một.
Từ tình yêu và tâm huyết dành cho làn điệu chèo, những người con của làng Đặng đang từng ngày giữ gìn, phát triển, khơi dậy tình yêu chèo cho thế hệ trẻ với mong muốn giữ gìn làng chèo đã có lịch sử phát triển lâu đời.
Để điệu chèo bay xa
Trong ánh nắng nhẹ đầu hạ, tiếng hát chèo vang vọng, tạo nên bức tranh làng quê xã Hải Châu, huyện Hải Hậu rất đỗi yên bình. Tại Nhà văn hóa xã Hải Châu, các thành viên Câu lạc bộ hát chèo thôn Phú Văn Nam đang hăng say luyện tập, chuẩn bị tiết mục độc đáo nhất phục vụ nhân dân.
Câu lạc bộ hát chèo thôn Phú Văn Nam ra đời từ khoảng năm 1960. Vốn là vùng quê có truyền thống hát chèo, những nông dân chung niềm yêu nghệ thuật chèo đã tụ hội và thành lập chiếu chèo phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của bà con.
Ông Đinh Thạch Biên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo thôn Phú Văn Nam chia sẻ, câu lạc bộ đầy đủ thành phần từ người hát, múa đến người chơi nhạc cụ đàn bầu, trống, nhị… Mọi người đều tự học, tự tập luyện. Cứ như vậy, các vở chèo không chỉ được câu lạc bộ biểu diễn, phục vụ nhân dân mà còn là biểu diễn tại hội thi của huyện, tỉnh. Nhiều tiết mục chèo khi câu lạc bộ biểu diễn mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem như, “Quê hương và nỗi nhớ” theo điệu chèo cổ “Luyện năm cung” và “Khúc hát tình yêu” theo điệu “Đường trường bán thước” biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ quần chúng dịp 2/9 ở huyện Hải Hậu năm 2022.
Không chỉ diễn lại các vở chèo cổ, thành viên câu lạc bộ còn tự sáng tác, dàn dựng những tác phẩm mới mang nội dung ngợi ca truyền thống quê hương, thành tựu xây dựng nông thôn mới, cổ vũ tinh thần phát triển kinh tế, xã hội địa phương như, các tác phẩm: Câu chuyện nhỏ làng tôi, Hạt giống quê hương…
Là người gắn bó với đội chèo từ khi còn trẻ đến lúc tuổi đã thất tuần, bà Phạm Thị Hạnh tâm sự, do đặc thù công việc làm nông nghiệp, đội chèo không có thời gian luyện tập cố định. Tuy vậy, khi có thông báo tập hợp, các thành viên đều cố gắng thu xếp việc nhà đến sinh hoạt câu lạc bộ. Ngoài cùng nhau tập luyện và biểu diễn trong dịp hội của xã, huyện, câu lạc bộ đang dạy cho một cháu 6 tuổi hát chèo, với mong muốn truyền tình yêu chèo tới thế hệ trẻ.
Mặc dù tại các địa phương, người dân từng ngày, từng giờ nỗ lực gìn giữ nghệ thuật chèo nhưng trước xu thế phát triển của xã hội, công tác phát triển các loại hình sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn. Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý và các điều kiện thuận lợi khiến việc gìn giữ nghệ thuật chèo gặp nhiều trở ngại.
Ông Trần Quang Nhuệ, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hải Hậu thông tin, để gìn giữ và phát huy truyền thống, văn hóa của địa phương, ngoài bố trí nguồn lực cho hát chèo, huyện chú trọng tổ chức tập huấn, giảng dạy bộ môn này cho thế hệ trẻ. Hằng năm, trong ngày hội văn hóa thể thao truyền thống của huyện cũng tổ chức hội thi hát chèo để các câu lạc bộ giao lưu, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở; đồng thời truyền cảm hứng, sự tự hào và thúc đẩy ý thức bảo tồn văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: