Nhật Bản có 4 điểm sau 6 trận ở vòng loại World Cup 2022, kém đội nhì bảng (tương đương vé trực tiếp dự VCK) của Australia 3 điểm. Lượt đấu này, Australia phải so tài với Ả Rập Xê Út, còn Nhật Bản gặp đối thủ trên lý thuyết là dễ kiếm điểm nhất, đó là tuyển Việt Nam.
Khoảng cách 3 điểm cùng 6 lượt đấu nữa cho thấy tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của thầy trò HLV Hajime Moriyasu. Tuy nhiên, ông cùng Nhật Bản không được phép sẩy chân.
HLV Moriyasu mới có 2 chiến thắng sau 4 trận ở vòng loại thứ ba.
Khuôn mẫu của tuyển Nhật Bản
Trước trận Nhật Bản gặp Australia ở lượt trước, HLV Moriyasu bật khóc khi Quốc ca vang lên. Trận đấu trên sân Saitama diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thua 2 trong 3 trận đầu tiên. Thêm một thất bại nữa, HLV Moriyasu có thể bị sa thải, hoặc tự ông sẽ từ chức.
Hoàn cảnh ngặt nghèo của Nhật Bản là điều khó ai lường trước. Trong 3 trận đầu, Nhật Bản có tới 2 trận đấu với các đối thủ xếp dưới hơn 30 bậc, là Trung Quốc và Oman. Lịch thi đấu thuận lợi hậu thuẫn cho thầy trò Moriyasu sớm bứt lên, tạo khoảng cách với các đối thủ. Song, "Samurai áo xanh" chỉ giành 3 điểm, ghi 1 bàn.
Tuy nhiên, áp lực nặng nền dồn lên vai HLV Moriyasu cùng cầu thủ lại là thứ tương đối dễ hiểu. Chỉ lạ lẫm là phương thức biểu hiện (nước mắt).
Ở World Cup 2018, người tiền nhiệm của Moriyasu, HLV Akira Nishino từng hứng chịu búa rìu dư luận tương tự. Tại lượt đấu cuối, Nhật Bản khi ấy đang trong cuộc đua giành vé với Colombia và Senegal. Thầy trò Nishino bị Ba Lan dẫn 1-0, còn ở trận còn lại, Colombia cũng dẫn Senegal với 1 bàn cách biệt.
Nhật Bản thua Bỉ bởi tư duy cứng nhắc.
Nếu tỷ số hai trận được giữ nguyên, Nhật Bản sẽ đi tiếp nhờ bằng điểm Senegal, nhưng hơn ở chỉ số fair-play (nhận ít thẻ vàng hơn). 10 phút cuối, thay vì vùng lên tìm bàn gỡ hòa, Nhật Bản chỉ chuyền qua lại, tìm mọi cách câu giờ. Chung cuộc, Nhật Bản thua 0-1, giành vé vào vòng 1/8.
Đội bóng của HLV Nishino lập tức bị công kích dữ dội, bởi thiếu thượng võ như biệt danh "Samurai áo xanh" vốn có. Nhật Bản không chỉ chơi để thắng, mà còn phải thể hiện tinh thần fair-play và bản sắc của con người Nhật Bản: kỷ luật, khoa học và tử tế.
Đảm bảo song song hai yếu tố chiến thắng và bản sắc là điều không dễ trong thể thao. Ở vòng 1/8, Nhật Bản thua ngược 2-3 trước Bỉ. Dẫn trước 2-0, nhưng các học trò của Nishino vẫn dồn lên tấn công, bởi không muốn bị báo chí chỉ trích lối chơi. Tư duy non nớt khiến Nhật Bản bị trừng phạt ở đấu trường khắc nghiệt.
Cái khó của người tiền nhiệm Nishino cũng là nguyên nhân khiến HLV Moriyasu không chiếm được thiện cảm của công chúng Nhật Bản. Cựu HLV Olympic Nhật Bản chọn cách tiếp cận thiên về phòng ngự, minh chứng là 5 trận thắng cách biệt 1 bàn ở Asian Cup 2019.
HLV Moriyasu cũng bị chỉ trích là bảo thủ, khi chỉ tin dùng lực lượng cầu thủ đang chơi tại châu Âu. 11 cầu thủ đá trận tứ kết Asian Cup 2019 với Việt Nam đang chơi tại lục địa già. Nhiều ngôi sao châu Âu dù không chơi hiệu quả như Yuya Osako (cựu tiền đạo Werder Bremen), Gaku Shibasaki (Leganes) được tin dùng.
Osako mới ghi 1 bàn ở vòng loại thứ ba.
HLV Moriyasu trung thành với khuôn mẫu dùng người, còn tuyển Nhật Bản cũng bó hẹp trong một "mẫu số" chơi bóng duy nhất: cố gắng kiểm soát bóng, đá ban bật, kiên nhẫn tìm khoảng trống.
Lối đá khuôn thước, nguyên tắc đến mức "máy móc" của Nhật Bản khiến đội bóng này thiếu tính đột biến.
Nhật Bản bất lực trước lối đá phòng ngự của Oman và Ả Rập Xê Út. Hai đội tuyển Trung Đông từng chơi ngẫu hứng, hoa mỹ và bị Nhật Bản vùi dập nhiều lần trong quá khứ.
Nhưng khi được dẫn dắt bởi những HLV châu Âu tài năng, chủ trương đá thực dụng như Branko Ivankovic hay Herve Renard, cả hai đã thắng một Nhật Bản thủ cựu và cứng nhắc.
Cơ sở tự tin
Đến trận gặp Australia, Nhật Bản mới chịu thay đổi. Sơ đồ 4-2-3-1 chuyển thành 4-3-3, cách chơi tấn công cũng khác. Ở bàn thắng thứ hai, Maya Yoshida đã phất đường bóng dài cho tiền đạo Nhật Bản luồn sau lưng hậu vệ Australia. Đó là bài tấn công không thường thấy ở đội bóng chuộng bóng ngắn.
Ở thế chân tường, thầy trò HLV Moriyasu đã thay đổi để tự cứu mình. Tuy nhiên, 3 điểm trước Australia là chưa đủ để giải tỏa tâm lý. Nhật Bản phải lấy trọn 6 điểm trước Việt Nam và Oman, nếu không muốn bị nhóm trên bỏ xa.
HLV Moriyasu phải gọi tiền đạo trẻ Daizen Maeda (ngoài cùng bên trái) để cải thiện hàng công.
Trung vệ Trần Đình Trọng chia sẻ: "Áp lực tâm lý của Nhật Bản có thể là lợi thế cho tuyển Việt Nam". Sức ép phải thắng có thể khiến Nhật Bản nóng vội, sơ hở và mất kiên nhẫn.
Oman đã làm tốt điều này khi phòng ngự cả trận, rồi bất ngờ đẩy cao kết liễu đối thủ trong 10 phút cuối. Tương tự là Ả Rập Xê Út, đội bóng chơi rình rập rồi chờ đợi đường chuyền về bất cẩn của Shibasaki để ghi bàn.
Một yếu tố quan trọng nữa là để vận hành lối đá chuyền ngắn trơn tru, cầu thủ Nhật Bản cần nhiều thời gian tập luyện, thi đấu cùng nhau.
Tuy nhiên, những trụ cột đang chơi tại châu Âu của Nhật Bản như Yoshida, Takumi Minamino, Sihbasaki, Ritsu Doan, Takehiro Tomiyasu, Wataru Endo,... đến tối qua mới đặt chân tới Hà Nội, chỉ có 1 buổi tập để khớp đội hình. Thời gian tập luyện ít ỏi cũng là nguyên nhân khiến lối đá có phần phức tạp của Nhật Bản trục trặc trong các trận qua.
"Tuyển Việt Nam ở tâm thế bình thản, còn Nhật Bản chịu sức ép lớn. Chúng ta có thể khai thác sự tương phản này. Đội bóng của HLV Park Hang Seo được chơi trên sân Mỹ Đình ở trận này. Có khán giả, có nguồn cảm hứng, các cầu thủ sẽ chơi tự tin hơn trước đỉnh núi cao nhất châu lục", BLV Vũ Quang Huy chia sẻ.
Theo HỒNG NAM (VTC News)