Giữ gìn biển, đảo thiêng liêng

02/02/2024 - 05:39

 - Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác các tỉnh phía Nam đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và một số đơn vị đóng quân ở vùng biển Tây Nam. Nơi hải đảo xa xôi, nhưng mùa Xuân như về sớm hơn, bởi CBCS đón nhận những tình cảm ấm áp từ đất liền, như là nguồn động viên để các anh vững chắc tay súng bảo vệ biển trời của Tổ quốc.

Kiên cường giữa biển khơi

Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, được bao thế hệ bảo vệ, giữ gìn và khai thác liên tục, xác lập chủ quyền, thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân và nhiều lực lượng, trong đó Hải quân Việt Nam là lực lượng nòng cốt, đang ngày đêm vững chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió với tinh thần “tất cả vì biển, đảo thiêng liêng”.

Cùng nhau gói bánh chưng trên đảo Nam Du

Vùng 5 Hải quân giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam, có diện tích hơn 150.000km2, đường bờ biển dài hơn 450km (từ cửa sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu đến TP. Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang), với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó, có 5 quần đảo lớn: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và quần đảo Hải Tặc. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh, được giao cho Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan (Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) cho biết, để bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập 5 vùng duyên hải (trong đó có Vùng 5 Hải quân). Ra đời trong thời điểm đất nước được thống nhất, nhưng trên vùng biển Tây Nam, bọn phản động Polpot ngang nhiên xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta.

Trước yêu cầu mới, đơn vị đã nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng, tiến công giải phóng quần đảo Thổ Chu và đánh bại âm mưu lấn chiếm của chúng, đồng thời cùng với các lực lượng trong và ngoài Quân chủng Hải quân tham gia chiến dịch Tây Nam, tiến công giải phóng thành phố cảng Kampong Som, tỉnh Koh Kong và toàn bộ các tuyến đảo thuộc vùng biển Campuchia, giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. 10 năm đứng chân trên đất bạn, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc lao động hồi sinh của Nhân dân Campuchia.

Thành tích nổi bật

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, củng cố mọi mặt, cùng với quân, dân trên địa bàn đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình trên không, trên biển, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xử trí có hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng với Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Hoàng gia Campuchia, tăng cường hợp tác và hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Qua đó, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Chuối trang trí đón Xuân

Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan cho biết, trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp CBCS Vùng 5 Hải quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; giúp bạn tận tình; đoàn kết, hiệp đồng; làm chủ vùng biển”.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và địa phương tặng thưởng nhiều huân, huy chương; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Hữu nghị và Huân chương Ăngko; 3 tập thể được tuyên dương và 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Liên tục từ năm 1999 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân tặng nhiều phần thưởng cao quý...

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn nhận được sự thương yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ tận tình của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân cả nước. Trong 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp tổ chức 210 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp... với hơn 3.500 lượt đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên CBCS và Nhân dân trên các đảo Tây Nam. Với phương châm “đất liền hướng về đảo xa”, các đoàn đã chia sẻ khó khăn, thiếu thốn nơi hải đảo, hỗ trợ xây dựng hàng chục công trình, các trang thiết bị, nhu yếu phẩm... phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho CBCS Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, trị giá gần 30 tỷ đồng.

Chuyến hải trình ý nghĩa

Từ ngày 15/1 - 21/1/2024, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức đoàn công tác đi thăm, động viên, chúc Tết CBCS, các lực lượng và Nhân dân trên vùng biển Tây Nam. “Đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí hướng về biển, đảo.

Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho CBCS Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc” - chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan nhấn mạnh.

Điểm đảo đầu tiên đoàn đến thăm là đảo tiền tiêu Thổ Chu (đảo lớn nhất và duy nhất có dân cư sinh sống trong 8 đảo của xã đảo Thổ Châu, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cách TP. Phú Quốc khoảng 100km và cách TP. Rạch Giá (đất liền, trung tâm tỉnh Kiên Giang) khoảng 220km. Thổ Chu là đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh.

Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay, xã đảo đã có hơn 500 hộ dân, với gần 1.900 nhân khẩu; người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Trên đảo có các lực lượng đứng chân, như: Trạm radar 610 (Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), Trạm Hải đăng (Bộ Giao thông vận tải), Đài Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung đoàn 152 (Quân khu 9), Đồn Biên phòng Thổ Châu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Trạm Cảnh sát biển (thuộc Vùng Cảnh sát biển 4) đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo.

Trên chuyến hải trình từ thành phố đảo Phú Quốc đến các đảo: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc dài khoảng 340 hải lý (tương đương 630km), đoàn công tác đã tới thăm, chúc Tết Trạm radar 610, tặng quà CBCS và các lực lượng tại đảo Thổ Chu; thực hiện lễ chào cờ tại Trạm radar 595 trên đảo Hòn Khoai; tổ chức gói bánh chưng tại Trạm radar 600 trên quần đảo Nam Du; tặng quà CBCS trên đảo Hòn Đốc; viếng đền tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão số 5 (năm 1997) trên đảo Nam Du… Từng thành viên của đoàn có dịp cảm nhận được những khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi kiên cường của CBCS và Nhân dân.

Điểm đến cuối hải trình là đảo Hòn Đốc (hòn Tre lớn, thuộc xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Đảo Hòn Đốc là đảo lớn nhất trong 16 đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, cách đất liền khoảng 20km, diện tích đảo khoảng 11km2, giáp tỉnh Kam Pot (Vương quốc Campuchia). Đảo Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, hiện có gần 450 hộ dân, với hơn 1.700 nhân khẩu sinh sống.

Đất liền hướng về biển, đảo

Thay mặt lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam đến thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính nhấn mạnh, thời gian qua, CBCS Vùng 5 Hải quân đã ngày đêm vững tay súng canh giữ đất trời, biển, đảo; đảm bảo sự bình yên cho các địa phương phía Nam tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

“Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam, xin trân trọng cám ơn Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và toàn thể CBCS. Các địa phương phía Nam tiếp tục phấn đấu tạo ra nhiều cơ sở vật chất, tiềm lực, là hậu phương vững chắc để các đồng chí yên tâm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng” - ông Đặng Văn Chính khẳng định.

Phóng viên tác nghiệp nơi đảo xa

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các địa phương phía Nam luôn hướng về biển, đảo của Tổ quốc, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thể hiện tình cảm sâu nặng của đất liền với biển, đảo thân yêu.

Theo chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, tình hình trên các vùng biển nước ta diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân nói chung và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân nói riêng hết sức nặng nề và khẩn trương, vừa phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các mệnh lệnh, chỉ thị của trên về công tác sẵn sàng chiến đấu; duy trì chặt chẽ lực lượng, phương tiện tuần tiễu, trinh sát, quan sát, chốt trực; chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân chủng Hải quân và trực tiếp xử trí các tình huống, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình vùng biển, đảo Tây Nam, vùng biển giáp ranh với Campuchia, Thái Lan, Malaysia; kịp thời tham mưu, đề xuất, xử trí tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân. Năm 2023, đơn vị đã huy động 26 CBCS kéo lồng bè của ngư dân ra khỏi nơi mắc cạn; hơn 50 CBCS tham gia di chuyển tài sản, chằng chống nhà cửa, kè bờ biển giúp đỡ Nhân dân trong cơn bão số 3; 110 lượt CBCS, 4 lượt chuyến tàu cứu kéo 4 phương tiện; 2 xe cứu hỏa và hàng chục CBCS tham gia chữa cháy 1 nhà dân; cấp cứu kịp thời 5 ngư dân gặp nạn trên biển; góp phần tăng cường mối quan hệ quân - dân, gắn bó mật thiết, nghĩa tình giữa đơn vị và địa phương.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” trên 340 triệu đồng; thực hiện mô hình “Giọt nước nghĩa tình”, “Hũ gạo tình thương”, “Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương”, Vùng 5 Hải quân đã quyên góp ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn 1,14 tấn gạo; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá hơn 80 triệu đồng; sửa 1 căn nhà, xây mới 2 nhà Tình nghĩa, trị giá 120 triệu đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau; xây dựng 4 “Nhà đồng đội”, trị giá 85 triệu đồng/căn cho các quân nhân trong đơn vị có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiên Giang...

HỮU HUYNH