![Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250212/images/T10ML.jpg)
Những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc
An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu; hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer; nghệ thuật trình diễn Dì Kê xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); nghi lễ vòng đời đồng bào DTTS Chăm Islam huyện An Phú và TX. Tân Châu; nghề dệt thổ cẩm đồng bào DTTS Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu); nghề làm đường thốt nốt của đồng bào DTTS Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.
Trong số 8 di sản, có 6 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS Khmer, Chăm. Chúng không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, mà còn tạo nên nét đặc trưng, thu hút du khách đến với An Giang. Điển hình như Hội đua bò Bảy Núi - hoạt động văn hóa diễn ra vào dịp lễ Sen Dolta của đồng bào DTTS Khmer hàng năm. Vào mùa cấy, nông dân dẫn bò đến cày, bừa ở các thửa ruộng của chùa. Sư sãi đứng ra tổ chức đua bò, từ đó hình thành cuộc đua bò sôi nổi. Nhiều năm qua, lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức quy mô hơn, thu hút đông đảo du khách gần xa đến trải nghiệm, tìm hiểu.
Cùng với lễ hội đua bò Bảy Núi, nghệ thuật trình diễn Dì Kê xã Ô Lâm là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của đồng bào DTTS Khmer, kết hợp âm nhạc, ca kịch dân gian, múa, đọc thơ. Dì Kê hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Tri Tôn, tạo nên nét lịch sử văn hóa đặc thù cho vùng đất này. Sân khấu Dì Kê thường được biểu diễn ở khoảng sân của phum, sóc, sân chùa phục vụ đồng bào DTTS Khmer sau những ngày lao động vất vả; hoặc biểu diễn vào dịp lễ hội quan trọng của đồng bào.
Tại An Giang, đồng bào DTTS Chăm theo đạo Islam sống tập trung ở TX. Tân Châu và huyện An Phú. Tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, trang phục... của đồng bào có những đặc trưng tiêu biểu. Nghi lễ vòng đời có 3 giai đoạn: Trong giai đoạn sinh, trong giai đoạn trưởng thành và trong giai đoạn tử. Những nghi lễ này làm nên di sản văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo.
Bạn Lê Nguyễn Tâm Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có sở thích du lịch đó đây, trải nghiệm, khám phá văn hóa, ẩm thực và đời sống của người dân địa phương, vùng miền, giúp ích cho công việc. Nhiều lần đến An Giang, tôi hứng thú với việc tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể. Tiếc là đối với nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam, tôi chưa có cơ hội chứng kiến để biết nhiều hơn”.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh tích cực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa. Hàng năm, đều đặn tổ chức Ngày hội Văn hóa các DTTS Chăm, Khmer; Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu... Các lễ hội được tổ chức chu đáo, trang trọng, thu hút đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia.
Song song đó, tỉnh ban hành nhiều quy định, quy chế quản lý di sản văn hóa và tổ chức lễ hội, từng bước đưa hoạt động này vào nền nếp. Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành đề án nhằm bảo tồn, lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể. Điển hình như Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030.
Đề án hướng đến mục tiêu kiểm kê, phân loại các bộ kinh lá buông theo hệ thống; bảo quản, trị liệu, phục hồi kinh lá buông bị hư hỏng; hướng dẫn bảo quản cho các chùa đang lưu giữ kinh lá buông; tư liệu hóa, số hóa di sản tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được nhận diện, xây dựng thêm dị bản của một số bộ kinh lá buông phục vụ công tác giáo dục di sản, phát triển du lịch; dịch thuật một số bộ kinh lá buông tiêu biểu để làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu, giới thiệu tuyên truyền.
Đặc biệt, sự kiện Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy nỗ lực của tỉnh trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng, cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh; quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách về những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất, con người An Giang.
MỸ LINH