Chùa Soài So (xã Núi Tô, Tri Tôn) là một trong rất ít chùa Nam tông Khmer còn lưu giữ các bộ kinh lá buông. Nơi đó có hòa thượng Chau Ty, là vị sãi cả cao niên nhất biết về chữ Khmer cổ - chữ được khắc trên kinh lá buông. Gọi chữ Khmer cổ bởi có nhiều nét hơn, dùng để viết kinh, sách ở trong chùa. Hòa thượng Chau Ty cho biết, ông là người may mắn được học và viết kinh lá buông. “Công phu lắm, chớ hổng có đơn giản” - hòa thượng Chau Ty cho biết. Lá buông, người dân tộc thiểu số Khmer gọi là Slâc - rich, là lá của một loại cây quý hiếm mà hiện nay chỉ còn ở Campuchia. Lá buông có hình dáng giống lá thốt nốt nhưng công dụng vô cùng quan trọng, là nguyên liệu chính để tạo ra các bộ kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Hòa thượng Chau Ty
Theo hòa thượng Chau Ty, việc khắc kinh, chữ trên lá buông vô cùng khó khăn và rất cầu kỳ, chỉ những ai tinh thông Phật pháp và có trí lực mới làm được. Để có được những bộ kinh lá được lưu truyền đến thế hệ hôm nay, ngoài việc phải đẹp, còn đòi hỏi người khắc phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo từng nét chữ. Chưa hết, việc chạm khắc phải hết sức công phu mới có thể có được nét chữ đẹp, đều đặn, thẳng hàng và rõ ràng. “Ở mỗi đời, các sư tổ chỉ truyền lại “bí quyết” viết kinh cho duy nhất một đệ tử đủ tài năng, đạo hạnh”- hòa thượng Chau Ty thông tin. Khâu chuẩn bị cũng hết sức quan trọng, đầu tiên phải chuẩn bị những tàu lá buông già đã được che chắn cẩn thận từ lúc mới chồi ra khỏi thân. Sau khi chặt xuống phải hết sức cẩn thận không để rách lá, rồi đem phơi nắng cho khô, nhưng phải đảm bảo bề mặt lá được bằng phẳng, không để lá bị ẩm mốc, từ đó việc bảo quản mới được bền lâu. Việc chép kinh trên lá buông quả thực không đơn giản như viết trên giấy, mà phải dùng một loại bút chuyên dụng. Loại bút này được đồng bào Khmer gọi là “đek-cha”, được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có gắn mũi nhọn để khắc chữ xuống thân lá. Sau khi chữ được khắc sẽ dùng mực tẩm lên lá, để mực thấm vào nét chữ đã khắc; chờ cho mực khô, lau sạch lá rồi kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách.
Tháng 7-2014, lớp học dạy viết kinh trên lá buông đầu tiên được tổ chức tại chùa Soài So, do đích thân hòa thượng Chau Ty hướng dẫn đã thu hút đông đảo sư sãi các chùa trong tỉnh về dự. “Đây là dịp phổ biến rộng rãi, lưu truyền cho các thế hệ sau này. Bằng không, chỉ nghe nói thì đâu ai biết”- hòa thượng Chau Ty tâm huyết. Kinh lá buông hay việc viết chữ trên lá buông là nét đẹp văn hóa độc đáo, mang tính nghệ thuật cao của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đến nay, những bộ kinh lá buông đã có tuổi đời hàng trăm năm và để giữ gìn, phát huy kỹ thuật viết chữ trên lá buông, Hòa thượng Chau Ty cũng như đồng bào dân tộc thiểu số Khmer mong muốn được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn trong việc đào tạo, mở nhiều lớp viết chữ trên lá buông. “Việc hỗ trợ lá buông sẽ tạo nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc mở các lớp khắc chữ trên lá buông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện trong việc bảo quản các bộ kinh còn lại tại chùa, để lưu truyền nét văn hóa độc đáo này cho thế hệ sau”, Hòa thượng Chau Ty mong muốn.
Với nét văn hóa độc đáo và là sản phẩm vô giá trong tôn giáo Nam tông Khmer, bộ kinh lá buông được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, hòa thượng Chau Ty được công nhận là Nghệ nhân ưu tú và tháng 3-2019 được nhà nước công nhận là Nghệ nhân nhân dân. |
ÁNH NGUYÊN