Giữ lửa nghề rèn

26/02/2022 - 08:40

Trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) ngày nay, xưa tên là phố Sinh Từ, vẫn còn nhiều hộ gia đình bán các mặt hàng của nghề rèn với nhiều chủng loại, kích cỡ và hầu hết được chế tác bằng tay. Rong ruổi dọc con phố từng một thời luôn đỏ lửa nghề rèn, sẽ gặp cửa hiệu mang tên Sinh Tài với thương hiệu 100 năm.

Ông Nguyễn Thế Thắng trong lò rèn của gia đình.

Không chỉ người dân trong phố mà nhiều người ở Thủ đô biết tới thương hiệu này cùng với bao câu chuyện lôi cuốn được truyền miệng về dòng họ Nguyễn Đắc và những người thợ rèn làng nghề Hòe Thị xưa đã bền bỉ giữ lửa nghề rèn qua bao thăng trầm, biến động.

Tìm gặp ông Nguyễn Đắc Bình (80 tuổi) chủ cửa hàng dao kéo Sinh Tài trên phố Nguyễn Khuyến, chúng tôi được mở mang thêm biết bao câu chuyện về một thuở nghề rèn làng Hòe Thị vang danh khắp kinh kỳ. Cửa hàng Sinh Tài ra đời từ năm 1895 ở nhà số 30 phố Sinh Từ do ông nội của ông Bình là Nguyễn Đắc Nghị lập nên có xuất xứ từ làng Hòe Thị thuộc Phủ Hoài Đức. Tiếp nghề cha, bố ông Bình là cụ Nguyễn Đắc Cẩn (sinh năm 1898) đã cần mẫn, say mê giữ lửa và ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, gia đình ông chuyển cơ ngơi nghề rèn sang các nhà 57 và 29. Từ năm 1950 đến nay, cửa hàng Sinh Tài chỉ còn một địa chỉ duy nhất tại 15A Nguyễn Khuyến do ông Bình tiếp quản. Bây giờ, con trai ông Bình lại tiếp tục nối nghề và là thế hệ thứ tư.

Một thuở vang danh…

Từ lúc mới sinh ra, ông Bình đã quen tai với tiếng đe, tiếng búa. Suốt tuổi thơ chứng kiến nỗi cực nhọc, gian khó mà vẫn cứ say mê, không thể tách rời. Ông Bình thuộc trường hợp khá đặc biệt đó là ông có nhiều năm tháng công tác trong ngành xây dựng, nhưng trong lòng ông, ngọn lửa nghề rèn của cha ông luôn âm ỉ, bập bùng. Chỉ đến khi nghỉ hưu, ông mới dành được thời gian, tâm huyết trọn vẹn để nối nghiệp cha ông. Có lẽ chính bởi điều đó mà biết bao người thợ rèn coi đó vừa là nghề, lại vừa là nghiệp. Ngoài sức khỏe và đôi tay khéo léo, thợ rèn cần mắt tinh, tai thính và sự kiên nhẫn hơn người. Bài học ấy luôn được truyền từ đời này qua đời khác.

Nghề rèn làng Hòe Thị có từ lâu đời, tập trung vào bốn dòng họ, là: Mai, Phạm, Thế và Nguyễn Đắc. Những người thợ rèn vẫn nhớ như in từng dấu ấn hình thành và mọi đổi thay. Xưa kia, mỗi dòng họ sẽ chuyên chế tác và nổi danh nhờ một số sản phẩm tiêu biểu. Thí dụ, họ Mai chuyên rèn nông cụ gồm cày, bừa, cuốc, xẻng… Họ Nguyễn Đắc và họ Thế nổi tiếng làm dao, kéo. Khi nhắc đến nghề rèn Hòe Thị, không thể bỏ qua thời “hoàng kim” của nghề.

Đó là giai đoạn ngành đường sắt bắt đầu khôi phục các tuyến đường chính từ Thủ đô tỏa đi cả nước: Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Yên Bái, Hà Nội-Vinh… Thời điểm ấy, nhu cầu sử dụng bu-lông rất lớn. Hai dòng họ Mai và họ Nguyễn Đắc ở làng Hòe Thị được tin tưởng lựa chọn rèn bu-lông cung cấp cho ngành đường sắt… Ông Bình xúc động nhớ lại không khí nhà nhà đỏ lửa bếp rèn, người người làm không hết việc. Giai đoạn sau khi đất nước giải phóng, cùng với sự phát triển rực rỡ của nghề may mặc, nhu cầu sử dụng kéo cắt tăng đột biến. Những người thợ rèn Hòe Thị tiếp tục được thỏa sức làm nghề và sống tốt, sống khỏe với nghề. Dù ở địa phương, vùng miền nào, chỉ cần có hiệu may đo thì nhất định phải thửa cho được những chiếc kéo mang thương hiệu kéo rèn Hòe Thị. Sự công phu, chuẩn mực, bền bỉ của sản phẩm này khiến người dùng không chấp nhận những sự thay thế khác.

Ông Nguyễn Đắc Bình và các thành viên trong gia đình vẫn còn nhớ rõ bước ngoặt sau giai đoạn phát triển là biến động thăng trầm mà có lẽ không người làm nghề nào mong đợi. Những năm 1990 trở đi, nghề rèn và các cửa hàng cung ứng sản phẩm rèn từ khắp các tỉnh như Nam Định , Bắc Ninh và Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) ùa vào trung tâm thành phố như một cơn “bão” bởi nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cạnh tranh về giá cả, vị trí… và cả nhiều lý do khác khiến nghề rèn Hòe Thị trở nên lặng lẽ, chìm khuất hơn. Thêm vào, các mặt hàng kim khí được sản xuất hàng loạt từ hệ thống nhà máy lớn với giá rẻ nhanh chóng tràn lan khắp thị trường càng khiến dòng sản phẩm rèn thủ công mất đi vị thế. Những xưởng rèn ở làng thưa vắng dần, những cửa hàng mặt phố thu hẹp dần, từng bếp rèn không còn thường xuyên nổi lửa. Với những người thợ rèn Hòe Thị luôn đau đáu, tâm huyết, đó mãi là niềm tiếc nuối khôn nguôi, một khoảng trống không gì bù đắp nổi. “Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi”, đọc từng câu thơ của nhà thơ Khánh Nguyên và hỏi những người thợ rèn: Tại sao lại lựa chọn và gắn bó, tha thiết với cái nghề đầy lấm lem, cực nhọc? Họ cười và chỉ vào hoa lửa đang lóe lên mà khẳng định: “Đấy là nghề chọn người. Nghề rèn vất vả nhưng chừng nào còn giữ được lửa thì chúng tôi vẫn có được niềm vui, nụ cười ở đó”.

Để hiểu hơn về làng nghề đã có phần mai một, chúng tôi tìm về làng Hòe Thị xưa, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bây giờ, làng đã mang dáng dấp phố thị, cả làng cũng chỉ còn vài nhà đỏ lửa bếp rèn. Hỏi thăm người dân, mà phần nhiều toàn người từ nơi khác ngụ cư, hồi lâu mới có người biết lò rèn của ông Nguyễn Thế Thắng (54 tuổi), người rèn kéo nổi tiếng trong làng. Bễ lò rèn đặt ngay trước nhà và ngôi nhà lại gần đình. Không gian vừa mộc mạc, gần gũi, lại vừa phảng phất nét cổ xưa, thiêng liêng càng tô đậm chân dung một trong số ít người thợ rèn hiếm hoi còn giữ nghề khi ngôi làng xưa đã trở thành phố thị ồn ào, đông đúc. Ông Thắng chậm rãi kể chuyện, những thợ rèn giỏi và còn giữ được lửa nghề, dù tuổi đã cao vẫn bám trụ ở làng và còn tỏa đến các chợ phiên khác trong vùng, như: Đăm, Canh, Nhổn, Kiều Mai… để bán và sửa nông cụ, đồ gia dụng cho người dân. Họ làm nên nét đặc trưng, mộc mạc của từng phiên chợ. Câu chuyện phảng phất niềm tiếc nuối nhưng vẫn le lói tình yêu nghề bởi thợ rèn không ai làm một mình. Để làm nghề, mỗi nhóm thợ rèn thường có ba người gồm thợ cả, thợ phụ đánh búa và thợ phụ chuyên kéo bễ, mài sắc và sáng sản phẩm… Không có công thức hay khuôn mẫu cụ thể cho thợ rèn. Người giỏi nghề phải có tài quan sát, cảm giác tốt và đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có thể kiểm soát nhiệt độ, xác định độ “chín” của kim loại và tự tin quyết định chất lượng sản phẩm thật dung hòa, cứng nhưng không giòn, dẻo nhưng không mềm. Cũng như bao nghề thủ công, phải “làm dâu trăm họ”, chữ tín của nghề rèn buộc thợ phải nỗ lực không ngừng nghỉ và cũng cần đến sự sáng tạo, tài hoa của một nghệ nhân.

Khát khao truyền lửa

Câu chuyện truyền nghề đặt ra với nghề rèn từ nhiều năm về trước nhưng cho đến bây giờ đó vẫn còn là một dấu chấm lửng mà chính những người thợ yêu nghề, khao khát truyền nghề chưa thể đoán biết kết cục. Từ những hộ làm nghề độc lập, gia đình cụ thân sinh ông Nguyễn Thế Thắng và các hộ dân khác từng hăng say vào Hợp tác xã Thủ công nghiệp Xuân Tiến được thành lập từ năm 1959. Là xã viên của hợp tác xã chuyên rèn nông cụ, dao kéo và công cụ cơ khí cho Nhà nước, bố ông Thắng truyền mọi bí quyết, tình yêu, kỷ niệm với nghề rèn cho con cháu. Không khí chung vai gắng sức, chia sẻ niềm vui và cả nỗi nhọc nhằn của thợ rèn thời hợp tác xã vẫn còn đọng lại trong từng câu chuyện hồi ức mà ông Thắng bồi hồi kể lại hôm nay. Năm 1984, hợp tác xã giải thể, bước ngoặt ấy cũng để lại trong tâm tưởng những người thợ rèn nỗi bâng khuâng. Nhiều chục năm trôi qua, từ một thanh niên trai tráng hăng say kéo bễ, đánh búa… cho đến khi tóc đã điểm bạc, ông Thắng vẫn cặm cụi sớm hôm với bếp lò, chủ yếu rèn dao, kéo - những sản phẩm quen thuộc phục vụ sinh hoạt và cắt may, giao bán cho chủ hàng quen trên phố Nguyễn Khuyến, Thuốc Bắc. Niềm vui le lói trong câu chuyện của thợ rèn đó là nhiều thương hiệu may nổi tiếng, làm nghề nhiều đời thì vẫn chỉ quen dùng kéo Hòe Thị vì cầm chắc tay, cắt ngọt, bền, hai mũi khít nhau… Có những chiếc kéo vẫn được bán với giá hàng triệu đồng trên thị trường mà thợ may giỏi nghề nhìn qua sẽ nhận diện được thương hiệu của làng nghề một thuở.

Cách nhà ông Thắng không xa là hộ gia đình ông Vũ Đình Cương (55 tuổi) chuyên rèn dao các loại. Là thế hệ thứ ba nối nghiệp cha ông, ông Cương không giấu niềm tự hào về bố mình, một thợ rèn giỏi, từng làm nghề cho Nhà nước tại Hợp tác xã Phương Đông 4 ở số 89 phố Sinh Từ xưa. Chia sẻ về câu chuyện truyền nghề cho thế hệ sau, ông thừa nhận, những người thợ giỏi đều đã già và dần dần sẽ nghỉ nghề, còn thế hệ tiếp nối lại bị gián đoạn do xã hội thay đổi quá nhanh, lớp trẻ thích theo những nghề nghiệp mới phù hợp thời đại. Ông Nguyễn Phương Hùng - một trong những người cuối cùng làm nghề rèn thủ công ở phố Lò Rèn, Hà Nội cho biết, một ngày ông vẫn miệt mài làm việc hàng chục tiếng đồng hồ và có thu nhập khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ngày từ nghề rèn thủ công. Báo The New York Times của Mỹ từng đăng bài phóng sự về ông, ca ngợi vẻ đẹp của người thợ khỏe khoắn, bền bỉ giữ nghề giữa bao đổi thay của cuộc sống. Ông Hùng trụ lại với nghề không đơn thuần chỉ bởi mục đích mưu sinh mà niềm ước mong chân thành nhất đó là giữ cho nghề rèn tưng bừng hoa lửa khi xưa không bị đứt đoạn. Đi đâu ông cũng tự hào và luôn nhớ mình là người làng rèn Hòe Thị. Trò chuyện với những người thợ rèn còn kiên trì với bếp rèn, ống bễ… chúng tôi nhận ra ẩn sâu trong cảm xúc trầm lặng, ưu tư của họ vẫn lấp lánh niềm tự hào được làm nghề, nối nghiệp cha ông.

Ở những góc nhỏ của đời sống bộn bề, hiện đại, vẫn không thể phủ nhận giá trị thực tế và tinh thần mà các sản phẩm thủ công mang lại. Với những người thợ yêu nghề tay quai tay búa, chừng nào vẫn còn có những chủ cửa hiệu may tìm mua kéo Hòe Thị, những gia đình cẩn thận chọn đồ theo truyền thống hay những nông cụ không thể thay thế dù cánh đồng đã ngập tràn máy cày, máy gặt… thì hoa lửa vẫn bừng lên, vẫn một niềm say mê như thuở còn trai trẻ.

Theo LÊ BÍCH (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích