Giữ nghề truyền thống

18/02/2022 - 06:40

 - Cuộc sống của người dân vùng Bảy Núi gắn liền với hình ảnh cây thốt nốt. Ở nơi đất đai kém màu mỡ, dưới cái nắng nóng khắc nghiệt của xứ núi, vậy mà cây thốt nốt vẫn hiên ngang bám rễ, kết tinh trái ngọt. Từ đây, những sản phẩm đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt… ra đời, chiếm trọn tình cảm của khách phương xa, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Vị ngọt đường thốt nốt

Khi vừa kết thúc mùa mưa chính là thời điểm lý tưởng nhất để lấy nước thốt nốt và bắt đầu cho một mùa nấu đường thốt nốt chất lượng. Nước thốt nốt có thể lấy quanh năm để nấu đường, nhưng sản lượng cao và đạt chất lượng ngon nhất là từ tháng 11 (âm lịch) hàng năm. Nghề lấy nước và nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Họ sống và gắn bó với cây thốt nốt từ thời cha ông mình, rồi cây thốt nốt kết tinh mật ngọt nuôi sống biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Vừa có thốt nốt của gia đình, chị Néang Sóc Pon (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) còn thuê thêm vài chục cây thốt nốt để thu nước nấu đường. Thời điểm này, chồng và con trai của chị Néang Sóc Pon đều thu được trên 100 lít nước thốt nốt mỗi ngày. Một phần nước thốt nốt thu được sẽ được giao cho các quán nước nằm dọc theo tỉnh lộ, phục vụ khách du lịch, phần còn lại được mang về nhà để nấu đường.

Theo chị Néang Sóc Pon, các công đoạn từ thu hoạch nước, nấu đường thì gia đình đều làm theo cách truyền thống của ông cha, không sử dụng hóa chất. “Để bảo quản nước thốt nốt không bị hư thì mình sử dụng vỏ cây sến, đây là cách làm từ xa xưa của ông bà. Làm vậy, tuy có cực công, nhưng có thể tạo ra được sản phẩm đường an toàn, người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn” - chị Néang Sóc Pon giải thích.

Là người con của vùng Bảy Núi, chị Néang Sóc Cang (xã An Tức, huyện Tri Tôn) dành nhiều tình cảm và tâm huyết với các sản phẩm từ cây thốt nốt, nhất là đường thốt nốt. Chị Néang Sóc Cang đứng ra kết nốt với các lò đường mang hương vị truyền thống, dùng các phương pháp tự nhiên để bảo quản và nấu đường để giới thiệu với bạn bè gần xa. Chị Néang Sóc Cang thành lập nhiều kênh bán hàng trực tuyến (online), trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán sản phẩm đường thốt nốt truyền thống của địa phương. Những sản phẩm bán đi, chị Néang Sóc Cang luôn bảo đảm chất lượng sạch, vị truyền thống và kèm theo hướng dẫn trong cách sử dụng, chế biến món ăn, thức uống.

“Mùa nắng như hiện nay là thời điểm đường thốt nốt có vị ngon nhất, người bán sẽ tranh thủ trữ hàng để có thể cung ứng đường ngon quanh năm cho người tiêu dùng. Vào mùa mưa, đường sẽ nhạt hơn, màu không đẹp bằng mùa nắng nên thường vào thời điểm đó, tôi ít dám bán cho khách hàng, uy tín phải luôn đảm bảo hàng đầu” - chị Néang Sóc Cang cho hay.

Người dân lấy nước từ bông thốt nốt về nấu đường

Hương vị bánh bò thốt nốt

Chị Néang Sóc Phép làm và bán bánh bò thốt nốt ở chợ An Hảo (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) trên 10 năm. Đây là loại bánh truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Nguyên liệu làm ra loại bánh thơm ngon này không nhiều, chỉ có bột gạo, đường thốt nốt và bột được mài từ trái thốt nốt chín.

Tuy ít nguyên liệu nhưng để có được một cái bánh đầy đủ hương vị đặc trưng thì không phải ai cũng làm được. Từ chọn được loại gạo sóc ngon để ngâm qua đêm rồi mang đem xay, bồng bột cho ráo nước. Đặc biệt, phải tìm được trái thốt nốt chín, lột bỏ phần vỏ mỏng ở ngoài để mài lấy phần thịt vàng ươm ở bên trong. Đây là nguyên liệu quan trọng nhất quyết định màu sắc, khi được phối trộn cùng với đường thốt nốt sẽ tạo ra hương vị đặc trưng của bánh bò thốt nốt, không lẫn với bất kỳ một loại bánh nào.

“Mới nghe về phần nguyên liệu, nhiều người nghĩ làm bánh bò thốt nốt khá đơn giản, nhưng phải bắt tay vào làm thì mới biết được nó cực công như thế nào. Các công đoạn phải được chuẩn bị từ chiều hôm trước đến tận khuya hôm sau mới có thể bắt đầu làm. Nguyên liệu phối trộn ra sao, ủ thời gian bao nhiêu để bánh không bị chua tùy thuộc vào tay nghề của người thợ” - chị Néang Sóc Phép chia sẻ.

Bánh bò thốt nốt được đánh giá là thành công khi hấp chín phải nở bông đều, vàng xốp, có mùi thơm đặc trưng của trái thốt nốt chín, kèm với vị ngọt thanh của đường thốt nốt. Thông thường, khi bánh chín, người thợ rắc thêm một ít cơm dừa nạo để vừa có thể trang trí, vừa tăng thêm vị béo cho món ăn. Chị Néang Sóc Phép cho biết, dù làm cực công nhưng trên quầy bánh của chị ở chợ An Hảo chưa ngày nào vắng loại bánh thốt nốt. Một phần vì nhu cầu của người dân, khách du lịch, một phần chị Néang Sóc Phép muốn giới thiệu một loại bánh ngon, tuy dân dã nhưng là đặc sản của dân tộc mình đến với bạn bè gần xa.

Thời gian qua, chị Néang Sóc Phép còn kết nối với người mua ở các tỉnh, thành phố để bán bánh bò thốt nốt. Đây là cách làm giúp loại đặc sản này ngày càng vươn xa, người dân có thêm thu nhập và quảng bá đặc sản của vùng Bảy Núi An Giang.

Hiện nay, ngoài các sản phẩm truyền thống, như: Đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt, những người trẻ hiện nay còn sáng tạo, cho ra mắt nhiều món ăn, thức uống từ trái thốt nốt. Ngoài món mứt thốt nốt rất được ưa chuộng trong ngày Tết thì sản phẩm thốt nốt rim đường được biến tấu, kết hợp cùng với trà sữa, cà phê, sữa tươi… tạo thành một loại thức uống độc đáo, xuất hiện nhiều trong thực đơn của các quán cà phê.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích