Giữ ổn định mặt bằng lãi suất

15/03/2021 - 08:23

Đầu tháng 3-2021, thị trường lãi suất biến động nhẹ khi có một số ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, đây chỉ là động thái cục bộ tại một vài ngân hàng chứ không phải là xu hướng chung của thị trường. Hiện, mặt bằng lãi suất được ghi nhận đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi

Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, thì những ngày đầu tháng 3 này, một số NHTM lại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động trở lại. Theo đó, đáng chú ý là việc tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn trên bảng niêm yết của Techcombank áp dụng từ ngày 1-3. Cụ thể, tại kỳ hạn sáu tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường tăng mạnh 0,5 - 0,6 điểm phần trăm lên mức 4,4 - 4,7%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm lên mức 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên. Tương tự, các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm khoảng 0,5 - 0,6 điểm phần trăm. Hiện, lãi suất cao nhất tại Techcombank áp dụng cho khách hàng thường là 5,8%/năm và khách hàng ưu tiên là 5,9%/năm. VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân từ ngày 2-3 và điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới sáu tháng. Tại ACB, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn hai tháng, ba tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng VietinBank.

Bên cạnh số ít NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi tháng 3-2021 tại phần lớn NHTM không có nhiều thay đổi so với tháng trước và tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cụ thể, ở nhóm NHTM nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên so với tháng trước. Trong nhóm NHTM cổ phần, các ngân hàng như LienVietPostBank, SeABank, TPBank,… lãi suất tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp và không thay đổi so với cùng kỳ tháng 2-2021. Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại điều chỉnh giảm như tại BacABank, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ một tháng đến 5 tháng của ngân hàng này đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm và niêm yết ở mức 3,6%/năm. Trong khi kỳ hạn sáu tháng đến 12 tháng cùng lúc điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm cho mỗi kỳ hạn. Ngân hàng SCB cũng điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, đưa mức lãi suất này xuống còn 6,8%/năm.

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo ý kiến của một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), việc điều chỉnh lãi suất đầu vào chỉ mang tính cục bộ ở một vài ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường. Bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Trước đó, ngay trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng của ngân hàng này trong thời gian ba tháng kể từ ngày 22-2 đến 22-5-2021. Theo đó, đối với khách hàng là doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank cũng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng này, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt này là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank. Tuy nhiên, những khoản nợ được giảm lãi suất trong chương trình này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. Sau Vietcombank, HDBank cũng triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, trong đó lãi suất thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lên đến ba tỷ đồng, ân hạn vốn gốc sáu tháng. Ngoài ra, ngân hàng này có mức lãi suất cho vay 4,5%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ không cần chứng minh bất kỳ khó khăn nào do dịch bệnh làm sụt giảm doanh thu, thu hẹp thị trường… Chương trình được HDBank cam kết kéo dài hết năm 2021. Và với hành động tiên phong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng như vậy đã làm gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới.

Có thể nói, giảm thêm lãi suất cho vay là kỳ vọng cũng như mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, để giảm thêm lãi suất cho vay, thì một trong những yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động phải giảm sâu hơn. Song lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền. Trong khi lạm phát lại đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Chưa kể, dự báo cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trở lại trong năm nay khi kinh tế phục hồi. Do đó, lãi suất cũng sẽ phải đối mặt với không ít áp lực. Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dù vẫn còn, song dư địa để giảm tiếp lãi suất là không nhiều. Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ đã chạm mức đáy từ trước đến nay trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đó, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021.

TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc giảm thêm lãi suất là rất khó. Bởi kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng, khiến cho khả năng giảm lãi suất càng khó. “Có thể nói, năm nay, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo. Nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát cao lên. Rủi ro tài chính có thể thấy qua việc thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay” - TS Võ Trí Thành nhận định.

Theo HỒNG ANH (Báo Nhân Dân)