Giữ vững thị trường cá tra

28/12/2023 - 05:54

 - Kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt 1,8 tỷ USD, bằng 75% so cùng kỳ năm 2022. Số liệu này tuy giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ được thị trường, thể hiện nỗ lực lớn của toàn ngành trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Khó khăn bao trùm

Để sản phẩm cá tra có mặt tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan quản lý Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường cùng cơ quan quản lý ở nước nhập khẩu. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm phải qua sự kiểm soát nghiêm ngặt của Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS). Ngoài tiêu chuẩn vi sinh, kháng sinh, chất cấm (Chloramphenicol, Nitrofuran Malachite Green…) sẽ không được sử dụng trong quá trình nuôi.

Nhiều thị trường đang có nhu cầu mua sản phẩm với tiêu chuẩn nex 100% (không có tăng trọng, mạ băng)

Năm 2023, giới xuất khẩu thủy sản xem đây là một năm khó khăn mang tính bao trùm. Bởi, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tại thị trường Hoa Kỳ, đầu năm lượng hàng tồn kho cao, nhà bán lẻ không còn nhập hàng như trước.

Tình trạng chiến tranh kéo dài làm cho kinh tế thế giới suy thoái, người dân Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) hay Trung Quốc, Hong Kong hạn chế chi tiêu, sản lượng cá xuất vào những thị trường này giảm đáng kể. “Một khó khăn khác không kém phần quan trọng là các nước nhập khẩu ngày càng có nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các rào cản thương mại, kỹ thuật ngày càng nhiều. Điển hình, khi Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, lượng hàng nhập vào nước này giảm mạnh…” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng chia sẻ.

Chất lượng con giống giảm dẫn đến tỷ lệ hao hụt khá cao, hiệu quả sản xuất thấp

Nếu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ chịu sự tác động của rào cản kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, cùng sự kiểm soát nghiêm ngặt của FSIS thì tại thị trường Trung Quốc, DN phải tuân thủ nghiêm ngặt Lệnh 248, 249. Tại thị trường EU, DN phải chống chọi với các chiến lược truyền thông bôi nhọ hình ảnh con cá tra trong mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các cơ quan Trung ương và sự giúp sức, hỗ trợ của địa phương trong vùng, 224 DN xuất khẩu cá tra của cả nước không để mất thị trường lẫn thị phần xuất khẩu.

“Kết quả xuất khẩu cá tra năm 2023 phù hợp với khó khăn chung của toàn thế giới. Thế giới vẫn trong tình trạng suy thoái về kinh tế. Chúng ta bình tĩnh phân tích, thấy rằng “trong nguy có cơ”, cộng đồng DN đã từng bước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các nước. Từ đó, kim ngạch có giảm, nhưng chúng ta vẫn giữ được thị trường” - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

Sản lượng toàn vùng ĐBSCL năm 2023 đạt 1,61 triệu tấn

Quyết tâm tháo gỡ

Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 (tổ chức tại An Giang), với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 vấn đề. Đó là nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục hạ giá thành để sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, vì lý do khác nhau, DN chế biến cá tra chạy theo yêu cầu đặt hàng của nhà nhập khẩu, chưa giảm tăng trọng và tỷ lệ mạ băng, mặc cho ngành hàng này có quy định rất nghiêm ngặt.

“Chúng ta tăng trọng nhiều, tỷ lệ mạ băng cao thì khi rã đông, miếng cá phi-lê bở ra, người tiêu dùng không cảm thấy ngon nữa. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề này vì uy tín, thương hiệu của sản phẩm quốc gia” - ông Trần Văn Hải (ngư dân TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) kiến nghị.

Để ngành cá tra phát triển bền vững, bên cạnh việc củng cố chất lượng, cần phải kéo giảm giá thành sản xuất, trong đó có giảm tỷ lệ hao hụt từ con giống đến quá trình nuôi thịt; nghiên cứu cho cá tăng trưởng nhanh, giảm dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn. Việc này nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra đối với các loại sản phẩm cùng phân khúc, có giá thành sản xuất thấp như cá Alaska Pollock.

Sản phẩm giá trị gia tăng được xuất sang EU và tiêu thụ trong nước

Đồng tình với kiến nghị này, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) kêu gọi cộng đồng DN trong ngành đầu tư, hợp tác chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trong từng khâu, như: Khâu chọn tạo cá bố mẹ, chọn giống, chọn tính trạng tăng trưởng và kháng bệnh.

Về con giống, tiếp tục hoàn thiện quy trình ương giống có tỷ lệ sống cao, sức khỏe tốt. Đẩy mạnh áp dụng mô hình ương giống trong nhà kính (để chủ động về thời tiết, môi trường), cho cá ăn thức ăn tự nhiên giai đoạn đầu, cùng các phương pháp phòng và trị bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng…

Những kiến nghị từ phía Hiệp hội Cá tra, DN là chính đáng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xử lý, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

MINH HIỂN