Giữ yên bờ cõi vùng biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Bảo vệ biên giới Tây Nam

30/03/2023 - 09:16

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn sông MêKông, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh, là tỉnh biên giới có nhiều dân tộc, tôn giáo. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Trong đó, bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát biên giới Tây Nam; thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ bám trụ trên tuyến biên giới An Giang

Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh biên giới Tây Nam, trong đó có An Giang, đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang nỗ lực vượt mọi khó khăn, thực hiện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Lực lượng vũ trang An Giang phát huy truyền thống, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cho biết: “77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang An Giang luôn phát huy cao độ truyền thống yêu nước của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, xây đắp nên truyền thống “Chiến đấu anh hùng, xây dựng sáng tạo”, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng bộ và nhân dân. Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc”.

Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Các cuộc vận động lớn đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thiết thực, như “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19; làm tốt công tác an sinh xã hội; phối hợp thực hiện mô hình “Gian hàng 0 đồng”, với 2.500 suất quà, kinh phí 1 tỷ đồng tặng hộ nghèo; thực hiện những chuyến xe “Ấm tình hậu phương”, với 2.000 phần quà tặng gia đình khó khăn; giúp dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản; vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho các địa phương; Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đỡ đầu 2 cháu mồ côi do tác động của dịch COVID-19 đến khi các cháu đủ 18 tuổi với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng… Những việc làm trên góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Đại tá Nguyễn Văn Lèo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang thông tin: “Nhiều mô hình hiệu quả được xây dựng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Tổ Phụ nữ cùng với biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”; với gần 3.000 khóm, ấp, hộ gia đình và hơn 230.000 cá nhân tham gia. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt chính sách về dân tộc, tôn giáo, hậu phương quân đội; thực hiện tốt chương trình hợp tác đối ngoại hàng năm với Campuchia; tạo mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

An Giang thực hiện tốt đối ngoại nhân dân với chính quyền, lực lượng, nhân dân phía đối diện Campuchia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển

Bộ đội Biên phòng - lá chắn nơi biên cương

Nhằm góp phần bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc từ xa, với phương châm “Khôn khéo, mềm dẻo”, dù ở mặt trận nào cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang cũng nêu cao tinh thần, ý thức tự lực, tự cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, quyết tâm bảo vệ biên cương bờ cõi. Thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, cảnh giác, liêm chính, kiệm cần, hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, dũng cảm trước địch, vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, thực hiện “3 cùng, 4 bám”. Xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Bộ đội Biên phòng An Giang đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo trong công tác đối ngoại, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững dài lâu”, công tác đối ngoại biên phòng được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức phong phú. Đại tá Trần Quốc Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: “Năm 2022, tình hình biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Song, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với 5 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy biên giới lãnh, chỉ đạo quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tham mưu ban hành nhiều văn bản kịp thời giải quyết vụ việc xảy ra, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững sự ổn định, phát triển ở khu vực biên giới; lãnh, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quốc phòng - an ninh, biên phòng và phát triển địa phương; đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân với chính quyền, lực lượng, nhân dân phía đối diện Campuchia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển”.

Chung tay, góp sức với Bộ đội Biên phòng, ở 5 địa phương biên giới của An Giang, nhiều mô hình quần chúng tham gia xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới đã được triển khai hiệu quả như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp biên giới”... thường xuyên duy trì hoạt động. Hiện có 98 tổ tự quản đường biên, cột mốc ở 73 khóm, ấp biên giới; 915/915 hộ dân có đất sản xuất sát biên giới đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền trên phần đất họ đang canh tác. Có 51 tập thể, 1.287 hộ gia đình, 1.588 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tuyến biên giới còn có hơn 42.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 42 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 Đồn Biên phòng. Cùng với nhiều chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”…, góp phần hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, phát huy vai trò của đảng viên Đồn Biên phòng trong xây dựng thế trận lòng dân tại địa phương; phân công đảng viên Đồn Biên phòng sinh hoạt tại 73 chi bộ khóm, ấp biên giới (đạt 100% chi bộ), 243 đảng viên đồn biên phòng phụ trách 1.150 hộ gia đình ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới.

Tổ tự quản đường biên, mốc giới, tuần tra, phát huy hiệu quả bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 tại An Giang, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “An Giang có địa chính trị rất đặc biệt, là hình mẫu chống ngoại xâm “dựng nước đi đôi với giữ nước”. Tỉnh cơ bản giữ gìn đường biên giới, tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình, hợp tác với nước láng giềng Campuchia... Tỉnh An Giang cần chủ động, dự báo và nắm chắc tình hình; kiên định nhưng phải thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Phải làm sao để giữ nước hòa bình, hữu nghị, chủ động toàn diện, từ sớm từ xa, chuẩn bị mọi tình huống; phát huy tất cả lực lượng, chủ động phối hợp, “xã giữ xã, làng giữ làng, ấp giữ ấp, huyện giữ huyện”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…”.

HẠNH CHÂU

Kỳ 2: An Giang nâng cao công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng