Giữ yên bờ cõi vùng biên giới Tây Nam - Kỳ cuối: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo

30/03/2023 - 09:16

 - An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam Tổ quốc; có địa chính trị, địa kinh tế và quốc phòng - an ninh quan trọng, với dân số hơn 2 triệu người. Là vùng đất đa dân tộc (28 dân tộc thiểu số, với 112.000 người chiếm 5,26% dân số); đa tôn giáo (11 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, với trên 1.200 chức sắc, gần 3.800 chức việc và trên 1,6 triệu tín đồ, chiếm hơn 84% dân số). An Giang còn là nơi khai đạo và đặt trụ sở hoạt động của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Ban Trị sự Trung ương Bửu Sơn Kỳ Hương.

Định kỳ hàng năm, Tỉnh ủy An Giang tổ chức gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc trong dịp Tết

Suốt chiều dài lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, các dân tộc, tôn giáo ở An Giang góp phần tạo nên truyền thống đoàn kết, anh hùng trong chống giặc ngoại xâm. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo thể hiện vai trò góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc, tôn giáo để cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cầu nối “ý Đảng, lòng dân”

Ông Lưu Xuân Thủy, Vụ Trưởng Vụ dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc Trung ương) cho biết: Cả nước có gần 30.000 người có uy tín trong cộng đồng, trong đó khu vực Tây Nam bộ có gần 2.000 người. Đó là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân; là một lực lượng quần chúng đặc biệt, luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng dân cư và ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Không ngại khó khăn, gian khổ, già làng, trưởng bản, người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên và phát triển.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem như cầu nối “ý Đảng, lòng dân” của các cấp chính quyền trong việc vận động bà con chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp.     

Ở An Giang, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động dòng họ, người dân xóm ấp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ổn định cuộc sống, tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong vùng dân tộc. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Tích cực giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc...

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh An Giang tôn vinh, tặng quà tri ân người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

An Giang là địa bàn biên giới, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng - an ninh, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác và phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết: Tỉnh đã xây dựng được 20 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (11 người dân tộc Chăm, 9 người dân tộc Khmer); 30 người là chức sắc, chức việc trong tôn giáo; 23 người là Trưởng khóm (ấp) làm nòng cốt phát huy những kinh nghiệm, uy tín của mình tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền, ban ngành, các đoàn thể địa phương giải quyết tốt an ninh trật tự trên địa bàn và bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt, trên khu vực biên giới, tỉnh đã hình thành các mô hình hoạt động hiệu quả, như: “Tổ Tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ Tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Trong đó, có 23 Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới (có 12 phụ nữ người dân tộc Khmer tham gia). Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và hơn 900 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới.

Sống “Tốt đời, đẹp đạo”

Ông Sa Lây Mal, Giáo cả Thánh đường Jamiul Aman, xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng - an ninh, tôi luôn tuyên truyền, vận động nhân đồng bào Chăm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực hưởng ứng và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định…”. Ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo, người có uy tín là chức sắc, chức việc các tôn giáo cũng thường xuyên vận động bà con tín đồ, phật tử chấp hành tốt chính sách, pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Các tổ chức tôn giáo, tín đồ ở An Giang đã ủng hộ tiền, hiện vật phòng, chống dịch COVID-19

“Chúng tôi đánh giá cao các chính sách về dân tộc của Đảng, nhà nước, như: Chính sách giảm nghèo; chính sách về nhà ở, đất ở; các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; các chính sách y tế, giáo dục... Tất cả các chính sách đều hướng đến việc chăm lo cho đồng bào dân tộc kịp thời. Chúng tôi sẽ tích cực đồng hành, làm cầu nối giữa Đảng, nhà nước, chính quyền với bà con dân tộc”- Hòa thượng Chau Cắt, xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên) bộc bạch.

Qua phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, từ năm 2020 đến nay, các tổ chức tôn giáo, tín đồ ở An Giang đã ủng hộ tiền, hiện vật, cất mới 510 căn nhà "Đại đoàn kết", hiến đất làm đường, xây 27 cầu bê tông, mua 190 xe cứu thương chuyển viện miễn phí, thành lập 10 bếp ăn từ thiện…, với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Tỉnh ủy An Giang đã họp mặt các tổ chức và chức sắc tôn giáo để động viên, phát huy vai trò người có uy tín trong tôn giáo, kêu gọi trên 1,6 triệu tín đồ chung sức, đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch. Qua đó, các tín đồ tôn giáo tích cực quyên góp tiền, hiện vật gần 90 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống COVID-19; tổ chức nhiều mô hình thiết thực, như: "Gian hàng 0 đồng", "Quầy hàng 0 đồng", "Hạt gạo nghĩa tình"... trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới… Nâng cao vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; nhân rộng gương điển hình người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tư tưởng, tâm trạng xã hội, nhất là địa bàn dân tộc, tôn giáo, thông qua những người có uy tín để nắm và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt thông tin trên không quan mạng; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo.

HẠNH CHÂU