Gỡ khó cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

31/10/2023 - 18:38

Hội thảo 'Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen' do Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội,nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.

Đại diện các chuyên gia, DN trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Tăng trưởng nhanh, nhưng phát sinh nhiều vấn đề

Trong nhiều năm qua, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn chi dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến tín dụng đen. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu, song đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng đời sống của 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng là trên 135.000 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

"Có thể nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của NHNN tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Thống kê từ NHNN cho thấy, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tín dụng tiêu dùng đang từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức và tránh xa tín dụng đen.

Dù đạt được những kết quả tích cực như trên, tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khó khăn. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.

Bên cạnh đó, hầu như các công ty tài chính chính thống đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao. Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan mà chưa có chế tài xử lý, đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cho cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ.

Tình trạng tín dụng đen núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen, khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Ảnh: VGP

Khẩn trương lấp lỗ hổng pháp lý, điều chỉnh hành vi

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc bùng nổ của các ứng dụng (app) cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.

"Chúng tôi đã phải đưa ra rất nhiều khuyến cáo với khách hàng về nhiều trường hợp đối tượng mạo danh công ty để tiến hành lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lừa đảo tạo webiste có tên miền gần giống với thương hiệu để gây nhầm lẫn, mạo danh nhân viên công ty để lừa khách hàng...", ông Lê Quốc Ninh nói.

Cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, thời gian qua các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay với quy mô lớn. Điển hình của các đối tượng này là cho vay qua app với số tiền rất nhỏ (1,6-3 triệu đồng) nhưng các khoản phí phải trả rất cao, người vay phải thế chấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại. Khi vay vốn, người vay sẽ bị lôi kéo từ hết app này đến app khác và không thể trả hết nợ. Khi đòi nợ, các đối tượng hoạt động tín dụng đen sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ… để ép người vay trả nợ.

Đại diện Cục cảnh sát Hình sự cảnh báo, hoạt động tín dụng đen sẽ gia tăng ở nhiều địa bàn vào dịp cuối năm, kết hợp nhiều hình thức, len lỏi vào các thành phần người dân, thanh thiếu niên. Bộ Công an sẽ đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, tuyên truyền phòng ngừa các hệ lụy trên các nền tảng mạng xã hội. Do vậy, người dân cần tiếp cận với nguồn tài chính chính thức, tránh xa tín dụng đen.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh kiến nghị sớm khôi phục dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp để khắc phục tình trạng bùng nợ.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Quyền Tổng Giám đốc FE Credit cho biết, có một thực trạng đáng buồn mà FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng khác đang phải đối mặt trong thời gian gần đây là bên cho vay trở thành nạn nhân. Nếu như năm 2019 và 2020, FE Credit chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 số vụ việc đã tăng vọt lên tới 24 vụ.

Đại diện FE Credit cho rằng: Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân còn hạn chế. Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra. Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định: FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng khác, không bao giờ có chính sách, chủ trương và chấp nhận các hành vi đòi nợ cực đoan. FE Credit luôn hoạt động tuân thủ theo các quy định pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

"Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc thu hồi nợ, tôi cũng thừa nhận rằng đã nảy sinh ra một số thiếu sót và thái độ chưa đúng chuẩn mực ở một số nhân viên. Những sai sót này đã gây ra phiền hà cho khách hàng. Tôi xin nhấn mạnh lại là các hình thức đòi nợ như vậy không phải là chủ trương, chính sách của chúng tôi và xin tiếp thu ý kiến, rà soát và đào tạo lại nội bộ để hạn chế những sai sót của nhân viên", bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói.

Về vấn đề lãi suất, lãnh đạo FE Credit phân tích: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống. Thứ nhất, lãi suất cho vay tiêu dùng được tính toán dựa trên chi phí đầu vào. Chi phí đầu vào của vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại do công ty tài chính không có chức năng huy động vốn. Hơn nữa, các công ty tài chính tiêu dùng phục vụ các nhu cầu của phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. Họ là những khách hàng dưới chuẩn không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng và cũng không có tài sản thế chấp. Mà lãi suất thường tỷ lệ thuận với rủi ro đi kèm. Cho vay tín chấp tiêu dùng là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, khi giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn vay ngắn, 3-6 tháng chẳng hạn, sẽ dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

"Vì lý do đó, lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng phải cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại", đại diện FE Credit nói.

Theo ANH MINH (Chinhphu,vn)