Người bán cần thay đổi
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng một vài lần trải qua sự “quen tay” của các nhân viên phục vụ trong các quán nước. Mặc dù trước đó, thực khách đã dặn đi dặn lại là không cần ống hút nhưng khi ly nước được đem ra vẫn kèm theo ống hút nhựa, nhất là khi khách hàng là nữ, sự “ưu tiên” sử dụng ống hút nhựa đi kèm càng thường xuyên hơn. Đó là chưa kể đến việc, một số quán cà phê còn sử dụng ly nhựa sử dụng 1 lần để đựng đồ uống mặc dù khách hàng uống tại chỗ.
Như vậy, mỗi ngày có bao nhiêu khách là sẽ có bấy nhiêu ly nhựa, chai nhựa được mang ra sử dụng và bao nhiêu trong số đó được bỏ đúng nơi quy định để tái chế mà không phải bị bỏ xuống sông, kênh… gây ô nhiễm môi trường. Thông qua những điều đó chứng tỏ rằng, chính những chủ cửa hàng vẫn chưa ý thức được sự đồng hành trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xung quanh. Bởi vì, chỉ khi người chủ có quy định về việc sử dụng các sản phẩm nhựa sẽ tác động đến ý thức của nhân viên phục vụ, mà không phải ngó lơ yêu cầu của thực khách.
Các sản phẩm nhựa được tái chế
Còn khi đi ra chợ, mua vài cọng hành, mấy trái ớt hoặc một vài sản phẩm đã được đóng hộp thì người bán vẫn rất nhiệt tình cho vào vài bọc ny-lon. Khi người mua đưa ra hộp, túi vải để đựng thì bị cho là rườm rà, mất thời gian. Trong “cuộc chiến” với các sản phẩm nhựa, nhất là các loại sử dụng 1 lần thì ý thức và hành động của người dân là vấn đề quan trọng nhất. Vì sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt hàng ngày đã trở thành thói quen, nếu muốn thay đổi không thể trong “ngày một, ngày hai” là có thể hoàn toàn thay đổi. Thực ra, các bà nội trợ ở quê cũng có một cách riêng để bảo vệ môi trường.
Ngoài việc xách giỏ đi chợ thì số bọc ny-lon được người dân tái chế sử dụng thêm nhiều lần. Bọc nào còn sạch sẽ được tái sử dụng, còn bọc nào dơ, ướt sẽ được gom lại, phơi khô rồi đốt… Đây cũng là một cách bảo vệ môi trường của những người dân ở quê. Điều đó cho thấy, ý thức của người dân xài xong chai nhựa, bọc ny-lon rồi bỏ nơi nào, xử lý ra sao mới là điều quan trọng.
Giải pháp thiết thực
Khi sử dụng sản phẩm đồ nhựa đã trở thành thói quen, trước khi đi đến việc cấm tuyệt đối nên có những cách, những mô hình tái chế nhựa để người dân dần hình thành ý thức với những thứ mình sử dụng và bỏ đi. Thay vì triệt tiêu cứng nhắc, có thể thay thế bằng nhiều hình thức mang tính thực tế khác. Chẳng hạn như, các trường học ở một số địa phương đã hình thành một nhà chứa rác có thể tái chế; các chương trình đổi chai nhựa lấy quà; hội phụ nữ địa phương còn hình thành các quỹ tiết kiệm bằng việc bán phế liệu những chai nhựa sử dụng trong đời sống hàng của gia đình…
Các chương trình như đổi rác thải nhựa lấy quà giúp người dân dần thay đổi thói quen dùng đồ nhựa 1 lần
Đây đều là những cách giải quyết rác thải nhựa có ích, các địa phương có thể tuyên truyền cho người dân áp dụng để dần thay đổi ý thức. Thời gian trước, Trường Cao đẳng Nghề An Giang tổ chức cuộc thi làm viên gạch sinh thái - Ecobrick.
Viên gạch sinh thái là cách tái chế nhựa và ny-lon dùng 1 lần bằng việc đem đi rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi thật chặt vào những chai nhựa khô ráo, sao cho đủ cứng để chúng trở thành vật liệu làm đồ nội thất, bồn cây, hàng rào... ở các trường tiểu học, THCS ở các địa phương còn tổ chức nhiều hội thi cho học sinh tham gia các hoạt động về tái chế chai nhựa làm các sản phẩm trang trí hoặc đồ dùng học tập.
Điển hình như ở Trường THCS Long Phú (phường Long Phú, TX. Tân Châu), các em học sinh tự phân loại rác trong trường rồi bán làm kế hoạch nhỏ. Số tiền thu được sẽ dùng để duy trì các hoạt động học tập qua trải nghiệm tại trường…
Việc hạn chế sử dụng chai nhựa là một chủ trương hoàn toàn đúng và là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu muốn đạt hiệu quả cần có cách làm, tuyên truyền cần phải thiết thực, không nên cứng nhắc làm phản tác dụng. Bất kỳ việc gì cũng vậy, khi nhận thức thay đổi, hiểu và làm sẽ hiệu quả hơn.
P.V