Trong bài nói chuyện, GS Kong chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm của Singapore trong hành trình đưa đảo quốc sư tử này trở thành một trong những thành phố xanh, sạch, an toàn nhất thế giới.
Trong hành trình chuyển đổi đô thị của Singapore trở thành đô thị bền vững về môi trường, Chính phủ Singapore luôn thống nhất quan điểm tiếp cận là đề cao vai trò hợp tác 3 bên, gồm khu vực hàn lâm (đại học, viện nghiên cứu), doanh nghiệp và Chính phủ.
Vì vậy, SMU đã thành lập Viện nghiên cứu đô thị, không chỉ để nghiên cứu các vấn đề lý thuyết cao siêu mà với mục tiêu chính là góp phần chuyển đổi cuộc sống đô thị khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, SMU tạo được hợp tác toàn diện với đồng thời các chính phủ, các doanh nghiệp, các trường đại học, với tham vọng hội tụ trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau xây dựng những thành phố, những đại đô thị bền vững.
"Ba vấn đề chính được chúng tôi nghiên cứu gồm: đời sống đô thị, tăng trưởng đô thị, hạ tầng đô thị. Ví dụ làm thế nào để có bản đồ quy hoạch hợp lý mạng lưới sạc xe điện ở thành phố, nhất là những thành phố đông dân, giao thông đông đúc như Hà Nội, để từ đó khuyến khích người dân dùng xe điện. Hay nghiên cứu giải bài toán làm thế nào để đô thị không chỉ tăng trưởng về quy mô mà là tăng tính cạnh tranh, để đó là một đô thị đáng sống, đô thị có chất lượng sống cao", GS Kong chia sẻ.
Với lĩnh vực phát triển đô thị xanh, các vấn đề mà các nhà khoa học cần nghiên cứu để tư vấn cho Chính phủ, cho nhà doanh nghiệp là làm sao để có sự quan tâm đúng mức tới các khía cạnh khi xây dựng đô thị bền vững.
Chẳng hạn như sự cần thiết phải cải thiện sức khỏe cộng đồng, để đỡ tăng áp lực lên hệ thống y tế, để có những người lao động khỏe mạnh, để kéo dài tuổi thọ và để trì hoãn các tác động của việc lão hóa dân số. Làm sao để gia tăng sự phát triển kinh tế, vì mức độ hạnh phúc và sức khỏe của mỗi người phụ thuộc vào tình hình tài chính của họ. Cần phải quan tâm gia đình đó, cá nhân đó có thu nhập đủ đảm bảo cho cuộc sống mà họ mong muốn hay không trong cái đô thị mà họ đang sống hay không.
Đúc rút các bài học kinh nghiệm của Singapore, GS Kong nhận thấy trong vấn đề phát triển đô thị, Việt Nam đang rất thuận lợi khi Chính phủ quan tâm, doanh nghiệp năng động, giới hàn lâm cũng đang làm rất tốt việc nghiên cứu chiến lược. Vấn đề là cần có sự hợp tác 3 bên, bởi mỗi bên sẽ đem lại giá trị khác nhau, tổng hòa các giá trị đó mới là cái tạo nên sức mạnh, tạo nên hiệu quả mà chúng ta kỳ vọng.
Theo bà, các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ có các chuyên gia đóng góp ý tưởng, tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, cho doanh nghiệp. Còn Chính phủ và doanh nghiệp làm việc với nhau để cùng xây dựng thể chế, quy định luật pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy và tỏa sáng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đóng góp vào lợi ích chung của cộng đồng.
"Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề quan trọng phát triển xây dựng những đại đô thị xanh mới, gần như thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị. Đây là cơ hội lớn để các nhà khoa học, các chuyên gia làm việc cùng nhau, giải quyết các bài toán khó nhằn trong công tác phát triển đô thị xanh, bền vững", GS Kong nói.
GS Kong là phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức Chủ tịch một trường đại học tại quốc đảo Singapore. Bà nổi tiếng với nghiên cứu về sự biến đổi đô thị và thay đổi văn hóa xã hội tại châu Á. Bà nhận được nhiều giải thưởng học bổng quốc tế uy tín, đồng thời lọt top Top 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng của Forbes châu Á (2022).