Với đồng nghiệp và học sinh, thầy Toàn là người không ngại khó, sống giản dị, hòa đồng, chân tình trong giao tiếp ứng xử. So với nhiều đồng nghiệp, dù kinh nghiệm còn khiêm tốn (10 năm tuổi nghề) nhưng thầy Toàn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Toàn về công tác tại Trường Phổ thông Cô Tô (huyện Tri Tôn), hiện là Trường THCS - THPT Cô Tô.
Hoàn cảnh gia đình thầy còn nhiều khó khăn vì phải nuôi ba mẹ và con nhỏ. Khó khăn về vật chất, nhưng với tinh thần yêu nghề, quyết tâm vươn lên, cải thiện cuộc sống, thầy Toàn luôn cố gắng, phấn đấu hết mình trong công tác, cũng như tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, góp sức xây dựng quê hương.
Có thể thấy, giáo viên ngày nay đối mặt với nhiều áp lực, không chỉ áp lực về kinh tế mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đổi mới về các môn học, tích hợp môn học, đòi hỏi giáo viên phải cố gắng nhiều, tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm tiếp cận chương trình.
Thầy Nguyễn Minh Toàn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ
“Tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tích cực học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm chia sẻ những giải pháp, sáng kiến hiệu quả với đồng nghiệp. Đó là niềm vui và là động lực để tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao” - thầy Toàn chia sẻ.
Chia sẻ về môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, thầy Toàn trải lòng: “Đây là môn học bao gồm nhiều kiến thức về khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên và kỹ thuật quân sự. Môn học không chỉ trang bị những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, tư duy về quốc phòng - an ninh và kiến thức quân sự cần thiết, mà còn rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách con người.
Đây là môn học nằm trong nhóm các môn có tỷ lệ lý thuyết cao trong chương trình học, do vậy một bộ phận học sinh còn thiếu sự quan tâm, hứng thú với môn học này. Do đó, bản thân phải học hỏi, tìm tòi để đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để các tiết học sinh động hơn. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của học sinh và đáp ứng yêu cầu môn học, cũng như yêu cầu đổi mới giáo dục”.
Ngoài công việc giảng dạy, thầy Toàn còn kiêm nhiệm công tác Đoàn với vai trò Bí thư Đoàn trường. Theo thầy Toàn, đó là một thử thách lớn đối với bản thân. Bởi, công tác Đoàn trong trường học không chỉ đơn thuần là tổ chức các hoạt động phong trào, vui chơi cho học sinh mà cần phải quan tâm, chăm lo học tập, đời sống của các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật...
Cùng với các hoạt động giáo dục vào giờ lên lớp, công tác Đoàn trong trường học đóng vai trò quan trọng nhằm định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên. Thời gian qua, thầy Toàn luôn quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào đối với hoạt động Đoàn để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.
Cùng với đó, chú trọng các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, xu thế của giới trẻ và điều kiện thực tế của đơn vị. Đặc biệt, luôn quan tâm rèn luyện, phát triển đoàn viên, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer; cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nhằm duy trì bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS Khmer.
Ngày 17/11 tới đây, thầy Nguyễn Minh Toàn là đại biểu duy nhất của tỉnh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, cùng 57 giáo viên tiêu biểu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tổ chức.
Năm nay, ban tổ chức lựa chọn vinh danh các thầy, cô giáo tiêu biểu công tác tại các trường học ở khu vực I, II, III vùng đồng bào DTTS thuộc xã khó khăn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là vinh dự to lớn đối với thầy Toàn và thầy, cô ở giáo ngôi trường còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Tri Tôn.
PHƯƠNG LAN