Hạn chế "tín dụng đen" trong công nhân lao động

30/06/2022 - 03:36

 - Sau dịch COVID-19, nhiều người dân giảm thu nhập, đời sống gặp khó khăn… Mong muốn chung của họ là có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để không vướng vào việc đi vay nặng lãi như "tín dụng đen".

Công đoàn giới thiệu vốn vay ưu đãi cho công nhân lao động

Công nhân Nguyễn Trung Anh (Công ty TNHH Kovie Vina) cho biết, hiện nay, nạn "tín dụng đen" vẫn còn xảy ra và đòi nợ với những kiểu đe dọa, “khủng bố” bằng lời lẽ nhục mạ qua tin nhắn người vay, kể cả người thân và những người liên quan. Người lao động (NLĐ) kiến nghị, tỉnh có những giải pháp để hạn chế "tín dụng đen" tiếp cận công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp.

Theo anh Trung Anh, nhu cầu vay vốn của công nhân hiện nay rất nhiều, nhưng các nguồn vay ở ngoài khó xác định đâu là nguồn vay an toàn, đâu là "tín dụng đen". Mặt khác, nhiều NLĐ chưa lường hết tác hại của "tín dụng đen", dễ mắc bẫy khi gặp những tờ rơi có nội dung cho vay đơn giản, mức cho vay và lãi suất “béo bở”…

Chị Ngọc Tuyết (Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ) cho hay, bản thân là lao động chính trong gia đình. Thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, chị vừa giảm việc làm, thu nhập, vừa gặp khó khăn khi chồng bị bệnh, 2 đứa con vẫn phải đi học.

“Tôi vay từ người quen, mỗi nơi một số tiền nhỏ để xoay sở trang trải, chưa đến mức phải vay từ các tổ chức "tín dụng đen", nhưng số tiền nợ hiện nay đã “đội” lên khá lớn. Khi gặp khó về tiền bạc, công nhân chúng tôi không biết nguồn vay nào ưu đãi để tìm đến, thủ tục ra sao. Một số người dù biết khoảng vay từ các nguồn bên ngoài hoặc qua tờ rơi phát tán sẽ bị tính lãi suất cao, nhưng cũng rất khó để có những lựa chọn khác” - chị Tuyết giãi bày.

Qua khảo sát, chỉ tính trên địa bàn huyện Thoại Sơn, hiện có hơn 4.000 đoàn viên, công nhân lao động có nhu cầu vay vốn, do cuộc sống gặp khó khăn, nhất là sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú cho rằng, một trong những giải pháp để hạn chế vấn nạn trên là tạo điều kiện cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để có thể trang trải sinh hoạt đời sống. Riêng tổ chức công đoàn hiện nay có nguồn vốn thông qua tổ chức tài chính vi mô CEP, hiện đã có chi nhánh tại TP. Long Xuyên. Tổ chức CEP đang triển khai cho vay trong đoàn viên, công nhân lao động với số dư nợ trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 24 tỷ đồng, trong đó tại các khu công nghiệp đã cho vay hơn 400 công nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho công nhân lao động biết nhiều hơn về nguồn vay này, góp phần hạn chế vay nặng lãi bên ngoài.

Tổ chức tài chính vi mô CEP cho NLĐ vay với lãi suất 0,55%/tháng và thời hạn vay 36 tháng. Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh CEP Long Xuyên Lê Tấn Đạt thông tin, CEP có thể cho vay những khoản siêu nhỏ, từ 1 đến 100 triệu đồng. Tùy vào công việc và thu nhập, NLĐ có thể trả dần nợ gốc và lãi hàng tuần, 2 tuần hoặc hàng tháng. CEP có mạng lưới rộng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nên việc vay vốn không cần thế chấp hay bất cứ điều kiện nào khác.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động, đối với kiến nghị của NLĐ về "tín dụng đen", Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hoạt động của tín dụng đen ở An Giang không gay gắt như các tỉnh, thành phố lớn. Thời gian qua, vẫn có tình trạng một bộ phận người chạy xe đến từng nhà rải tờ rơi kèm theo số điện thoại để tiếp cận "tín dụng đen". UBND tỉnh đã chỉ đạo công an xây dựng chuyên án triệt phá nạn "tín dụng đen" không chỉ trong khu công nghiệp mà ngăn chặn cả ở các khu dân cư.

“Thời gian qua, Công an tỉnh đã vào cuộc quyết liệt và triệt phá một số đường dây "tín dụng đen" quy mô lớn. Do đó, hoạt động hiện nay của các đối tượng không rầm rộ như trước (dán cột điện, phát tán tờ rơi…). Tuy nhiên, nếu lực lượng công an và các cơ quan liên quan làm quyết liệt cách nào đi nữa mà không có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và công nhân lao động thì chuyện triệt phá rất khó thành công.

Do vậy, Công an tỉnh cần tiếp tục theo dõi triệt phá các đường dây "tín dụng đen", phát động phong trào trong toàn thể nhân dân và công nhân lao động nói không với "tín dụng đen". Đặc biệt, ý thức của người dân là quan trọng nhất, ngoài nêu cao tinh thần cảnh giác, còn cần sự tích cực tham gia tố giác của nhân dân góp phần mang lại hiệu quả thiết thực của phong trào” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động cả nước, vấn đề hạn chế "tín dụng đen" cũng đã được nêu ra để bàn giải pháp. Theo nhận định của Bộ Công an, tình hình liên quan "tín dụng đen" về cơ bản không gây bức xúc ở trong công nhân và xã hội, quan trọng nhất là tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Sắp tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ liên kết để triển khai các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính của các ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định. Nguồn vốn này sẽ đưa đến các khu công nghiệp, giảm tải các thủ tục cho NLĐ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích