Hàng cây giá tỵ

10/09/2023 - 09:05

 - Trong khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, ngoài sự nghiêm trang đặc trưng của cơ quan quân sự, điểm nhấn rất thú vị là bóng mát của hàng cây xanh, thân gỗ lớn, trong đó có cây giá tỵ.

Cây giá tỵ còn được gọi là cây gỗ tếch, cây lá đỏ. Trong chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ dùng chúng làm báng súng, nên cây giá tỵ còn được gọi là cây báng súng. Cây giá tỵ xuất phát từ Thái Lan, Ấn Độ  và Myanmar. Tại Việt Nam, giống cây này được phân bố rộng khắp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Gần 20 cây giá tỵ được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang trồng thử nghiệm khoảng 2 năm nay, xuất phát từ nhu cầu thay thế cây xanh đã trồng trước đó, tránh tình trạng rễ cây phá công trình trụ sở đơn vị.

Cây giá tỵ thuộc giống cây thân gỗ, chiều cao trung bình từ 30 - 40m, thân cây sở hữu lớp vỏ ngoài màu xám vàng, có độ nứt nhẹ, tạo thành vảy nhỏ.

Cây giá tỵ có sức mãnh liệt, tốc độ sinh trưởng tốt, rất phù hợp trồng tại các công trình lớn. Cây ít bị sâu bệnh, không cần tốn quá nhiều công sức chăm sóc.

Bộ rễ của cây thường ăn nổi trên bề mặt đất, có thể lan rộng đến 15m, không thích hợp trồng tại vỉa hè đường phố.

Chiến sĩ Lê Hoàng Quốc Toàn, Trung đội Vệ binh chia sẻ: “Cây giá tỵ gây ấn tượng với tôi bởi lá rất lớn, tạo bóng mát toàn bộ khuôn viên đơn vị, mang đến cảm giác mát mẻ, trong lành”.

“Hàng ngày, làm nhiệm vụ quét lá, vệ sinh cảnh quan đơn vị, được ngồi ngắm khung cảnh doanh trại bình yên…là trải nghiệm không quên của chúng tôi trong thời quân ngũ” – chiến sĩ Trần Phú Sang chia sẻ.

AN KHANG