Hàng hóa Việt hút khách quốc tế

07/06/2024 - 10:24

Nhiều nhà mua hàng quốc tế muốn mua thêm nhiều mặt hàng từ Việt Nam để bổ sung nguồn cung đang bị thiếu hụt do ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, xung đột địa chính trị trên thế giới

Hàng hóa Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) cần nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã, chuyển đổi xanh đồng thời có giải pháp tiếp cận các thị trường trọng điểm để có thể kết nối sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Đến Việt Nam để tìm nguồn hàng

Ngày 6-6, hàng trăm nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP HCM) để tham quan, tìm kiếm nguồn hàng và kết nối xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thời trang, công nghệ… Việt Nam.

Nhà mua hàng quốc tế tham quan Vietnam International Sourcing 2024

Đây là hoạt động chính của chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế'' (Vietnam International Sourcing 2024) diễn ra từ ngày 6 đến 8-6-2024 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của đông đảo nhà nhập khẩu, nhà phân phối lớn.

Trong đó, các tập đoàn phân phối quốc tế như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Group (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc), IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)... cùng nhiều DN chuyên về xuất nhập khẩu đều bày tỏ mong muốn gia tăng số lượng nhà cung ứng tại Việt Nam.

Ông Herman Xu, Tổng giám đốc phụ trách chất lượng của Tập đoàn Miniso (Trung Quốc), chỉ ra những lợi thế của hàng Việt Nam, gồm: sự khác biệt về thuế quan do Việt Nam đang là thành viên của 16 hiệp định thương mại (FTA), lợi thế về thị trường, vị trí địa lý, quốc gia lẫn sản phẩm…

"Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và CPTPP, giúp DN đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường. Ngoài ra là các lợi thế về chi phí lao động, chuỗi cung ứng mang tính chất kết nối với thị trường toàn cầu…" - ông Herman Xu nhìn nhận.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, thì cho hay Việt Nam là một trong những thị trường cung ứng quan trọng nhất ở châu Á. Walmart đang đẩy mạnh tìm thêm các mặt hàng may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng, thực phẩm, đồ chơi… để xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Chile... "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng ở nhiều danh mục sản phẩm của Việt Nam và mong muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn" - ông Aly Ansari bày tỏ.

Phải vượt qua "rào cản xanh"

Số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cả nước ước đạt 156,5 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có FTA đều có sự phục hồi tích cực.

"Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, cạnh tranh về giá cả với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ" - bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ đầu năm 2024, xuất khẩu các nhóm hàng thời trang, nội thất và gia dụng đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dần phục hồi. Hiện nay, nhóm hàng này còn nhiều lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn khiến các DN xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức phức tạp hơn rất nhiều. Đơn cử, DN dệt may, da giày cần phải vượt qua hàng loạt các "hàng rào xanh" khi tiếp cận các thị trường phát triển, đặc biệt là khối EU.

Mới đây nhất, Chỉ thị của EU về thẩm định về tính bền vững của DN (CS3D) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 cũng như nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác tạo ra nhiều tiêu chuẩn mới liên quan đến môi trường, lao động, nhân quyền, truy xuất nguồn gốc, sử dụng nguyên phụ liệu, tái chế, xử lý phế phẩm… Đối với ngành hàng nội thất, đồ gỗ, đồ gia dụng, thị trường Mỹ, EU đặt ra yêu cầu cao hơn về truy suất nguồn gốc gỗ, chứng nhận an toàn…

"Để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh kể trên thì chuyển đổi xanh song song với áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu, không thể đảo ngược" - ông Linh nhấn mạnh.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thừa nhận các DN dệt may đang chịu áp lực phát triển xanh. "Điểm chung là các nhãn hàng quốc tế đều đưa ra yêu cầu, đòi hỏi DN cung cấp phải có kế hoạch hành động cụ thể cho sản xuất xanh" - ông Tùng nói. Ông Tùng khẳng định xanh hóa là con đường bắt buộc, DN thực hiện càng sớm thì cơ hội có đơn hàng sẽ đến sớm hơn.

Các nhà mua hàng quốc tế cũng lưu ý DN Việt cần tăng tốc hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi sản xuất, cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn để không bỏ lỡ thời cơ tiến sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365, cho biết nhiều bạn bè của ông là chủ DN ở Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ đang đến Việt Nam tìm thêm sản phẩm mới cho chuỗi cung ứng.

"Tình trạng chung hiện nay là DN có rất nhiều sản phẩm nhưng không biết sản phẩm đó phù hợp với thị trường nào, làm thế nào để xuất khẩu được sang thị trường đó. Nhiều sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng bao bì không bắt mắt, DN không biết cách quảng cáo, tiếp thị để tiếp cận thị trường tiềm năng" - ông Cường nêu hạn chế DN cần nhanh chóng khắc phục.

Theo Người lao động