Bốn nhà lãnh đạo phương Tây đến Kiev ngày 24/2/2024, gồm Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để kỉ niệm tròn 2 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tờ Kyiv Independent hôm 24/2 cho biết cùng ngày một số nhà lãnh đạo thế giới đã đến Kiev để kỷ niệm tròn 2 năm Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các nhà lãnh đạo này gồm Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Chính phủ Italy trước đó đã thông báo vào ngày 20/2 rằng bà Meloni sẽ chủ trì một cuộc họp hội nghị truyền hình vào cuối ngày 24/2 với sự tham dự của nguyên thủ các nước thuộc nhóm công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hình ảnh hậu quả chiến tranh ở thành trì Avdiivka qua các thước phim được quân đội hai nước Nga và Ukraine công bố. Ảnh cắt từ clip của Bộ Quốc phòng Nga và Lữ đoàn cơ giới số 110 thuộc quân đội Ukraine
Trong một diễn biến liên quan tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Phái đoàn Giám sát Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine (HRMMU) cho biết vào hôm 22/2 rằng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, ít nhất 10.582 thường dân đã thiệt mạng và gần 20.000 người bị thương.
Liên hợp 1uốc lưu ý rằng mặc dù số thương vong giảm dần trong suốt năm 2022 và 2023 nhưng vẫn ở mức cao, với trung bình 163 thường dân thiệt mạng và 547 người bị thương mỗi tháng vào năm 2023.
Phần lớn thương vong dân sự, bao gồm là 91%, là do vũ khí nổ có hiệu ứng trên diện rộng. Mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh (ERW) chiếm 3,7% số thương vong này, còn lại là do các loại vũ khí và sự cố khác.
Theo người đứng đầu Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk, tác động lâu dài của cuộc chiến ở Ukraine sẽ được cảm nhận qua nhiều thế hệ.
Ngày 24/2/2024 đánh dấu tròn hai năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, làm nổ ra cuộc xung đột đẫm máu nhất, lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Nga đã đánh dấu mốc chuyển sang năm thứ 3 của chiến dịch quân sự đặc biệt bằng việc chiếm giữ thành trì chiến lược Avdiivka vào ngày 17/2.
Đây là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường của Nga trong nhiều tháng. Sau chiến thắng ở Avdiivka, các lực lượng Nga cố gắng phát huy thành công của mình ở mặt trận phía Đông, đẩy mạnh tiến công ở miền Nam Ukraine.
Theo các chuyên gia, hiện nay có 4 điểm nóng trên phòng tuyến của Ukraine mà Nga đang tìm cách vượt qua, bao gồm Marinka, Robotyne, Kreminna và Bakhmut. Với ưu thế về nhân lực và vũ khí, Nga đang đẩy Ukraine vào tình thế bấp bênh nhất kể từ khi xung đột bùng nổ.
Tuy nhiên, phải thấy rằng xung đột càng kéo dài, Nga càng phải chịu nhiều áp lực. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga liên quan đến chiến sự Ukraine, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/2.
Theo gói trừng phạt mới, gần 200 thực thể và cá nhân bị cáo buộc hỗ trợ Nga mua sắm vũ khí hoặc liên quan tới hoạt động di chuyển trẻ em Ukraine sẽ bị cấm kinh doanh hoặc nhập cảnh vào các nước thành viên EU. Các cá nhân và công ty này cũng đối mặt nguy cơ bị đóng băng tài sản.
Về phần mình, từ ngày 24/2, Mỹ sẽ trừng phạt hơn 500 mục tiêu ở Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện phối hợp với các quốc gia khác, nhằm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba đã tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà Nga cần.
Nhiều nước đồng minh của Mỹ như Anh cũng công bố thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Theo THÀNH NAM (Báo Tin tức)