Hàng loạt quốc gia miễn phí giáo dục phổ thông

13/10/2023 - 10:25

Phần Lan, Thụy Điển và Đức cung cấp giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đang trong lộ trình để hướng tới mục tiêu này.

LỜI TÒA SOẠN

Dù còn nhiều khó khăn trong thời điểm hồi phục sau đại dịch Covid-19 nhưng lãnh đạo một số tỉnh, thành tại Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì các chính sách an sinh xã hội nhân văn, trong đó có chính sách về giáo dục, đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Chuyên gia cho rằng chính sách này sẽ tạo điều kiện cho mọi học sinh được đến trường, phổ cập giáo dục sẽ thực hiện toàn diện

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện các chiến lược khác nhau để đảm bảo giáo dục phổ thông, từ cấp mầm non đến cấp trung học, được cung cấp miễn phí cho mọi người dân. Nhờ sự đầu tư thoả đáng, một số nước đã có bước tiến dài trong việc thúc đẩy giáo dục phát triển. 

Giáo dục là quyền cơ bản của con người, tạo nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ xã hội và phát triển của đất nước. Nhận thức được điều này, các quốc gia trên khắp thế giới đã thực hiện nhiều chiến lược khác nhau để đảm bảo rằng giáo dục phổ thông, từ cấp mầm non đến cấp trung học, được cung cấp miễn phí cho mọi người dân.

Phần Lan đầu tư 5,88% GDP cho giáo dục

Phần Lan được coi là một điển hình thành công trong lĩnh vực giáo dục. Với cam kết vững chắc về việc cung cấp giáo dục phổ thông miễn phí, chính phủ Phần Lan phân bổ một phần đáng kể ngân sách để hỗ trợ nỗ lực này. 

Cụ thể, chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực giáo dục ở Phần Lan đạt 5,88% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, so với mức trung bình toàn cầu là 4,62%, dựa trên dữ liệu từ 150 quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB). 

Từ 1970-2020, tỷ lệ trung bình Phần Lan dành ngân sách cho giáo dục đạt 5,85%, với mức tối thiểu là 4,48% (1974) và tối đa là 7,49% (1993), theo chuyên trang Global Economy.

Ngân sách của Phần Lan dành cho giáo dục từ 1970 đến 2020.

Phần Lan nhấn mạnh vai trò quan trọng của một nền giáo dục toàn diện trong việc nuôi dưỡng tư duy phản biện và tính sáng tạo. Khoản đầu tư này tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình các học sinh, nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản và chương trình giảng dạy toàn diện. 

Thụy Điển chi khoảng 10.548 USD/học sinh/năm

Thụy Điển đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp nền giáo dục phổ thông miễn phí, chất lượng cao và dễ tiếp cận cho người dân. 

Giáo dục ở Thụy Điển là bắt buộc đối với trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Giống như Phần Lan, phần lớn các trường học ở Thụy Điển được tài trợ công. Chính phủ chi trả các chi phí liên quan đến việc vận hành trường học, bao gồm lương giáo viên, cơ sở vật chất và tài liệu giáo dục.

Học sinh không phải trả học phí khi theo học tại các trường công lập ở Thụy Điển, từ mầm non đến trung học phổ thông. Chính sách này đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục, bất kể xuất thân.

Thụy Điển chú trọng đến việc phát triển chuyên môn của giáo viên. Giáo viên được yêu cầu phải có bằng cấp giảng dạy phù hợp và được khuyến khích tham gia phát triển chuyên môn liên tục.

Mức chi tiêu cho giáo dục của Thụy Điển thuộc hàng cao nhất trong số các nước OECD.

Năm 2020, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chi trung bình 5,1% GDP cho các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học. Ở Thụy Điển, tỷ trọng tương ứng là 5,7% GDP, trong đó, 35% dành cho giáo dục tiểu học, 16% cho giáo dục THCS, 20% cho giáo dục THPT, 1% cho giáo dục sau trung học, 1% cho các chương trình đại học ngắn hạn và 27% vào các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc tương đương.

Mức chi tiêu cho các dịch vụ giáo dục và nghiên cứu & phát triển (R&D) của Thụy Điển thuộc hàng cao nhất trong số các nước OECD, đạt mức trung bình 10.548 USD (khoảng 258 triệu đồng)/học sinh/năm đối với giáo dục tiểu học, trung học và sau THPT. 

Giai đoạn 2008-2011, Thụy Điển đã ưu tiên giáo dục như một lĩnh vực công chủ chốt, với mức chi tiêu tăng nhanh hơn chi tiêu công cho tất cả các dịch vụ khác, trong khi tỷ lệ này lại giảm tại một nửa số quốc gia trong OECD.

Đức dành 9,8% GDP, miễn phí cả sinh viên quốc tế

Cam kết của Đức đối với phổ cập giáo dục được thể hiện ở việc miễn phí học phí đối với cả sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế.

Điều này có nghĩa là học tại các trường công lập từ tiểu học đến THPT được miễn học phí. Chính phủ tài trợ các chi phí liên quan, bao gồm lương giáo viên, cơ sở vật chất và tài liệu giáo dục.

Khoảng một nửa số trường đại học ở Đức là trường công lập và các trường này miễn học phí cho sinh viên. Năm 2014, Đức chính thức miễn học phí cho hầu hết sinh viên theo học chương trình cử nhân và thạc sĩ, không phân biệt xuất xứ quốc gia.

Đức dành khoảng 351 tỷ euro cho giáo dục, khoa học và nghiên cứu vào năm 2021. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) báo cáo rằng đây là mức tăng 17,1 tỷ euro, tương đương 5% so với năm 2020. Chi tiêu lĩnh vực giáo dục chiếm 9,8% GDP vào năm 2021 và ngang bằng với năm trước. Năm 2019, giai đoạn trước đại dịch Covid-19, thị phần thấp hơn, đạt mức 9,5%.

Ấn Độ, Trung Quốc: Chính phủ tài trợ đến năm 14 tuổi, nỗ lực giáo dục hoàn toàn miễn phí

Ở Ấn Độ, Đạo luật về Quyền Giáo dục ban hành năm 2009, là nền tảng trong cam kết của quốc gia này trong việc cung cấp giáo dục bắt buộc và dễ tiếp cận cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14. Đạo luật này không chỉ khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản mà còn buộc chính phủ phải đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có cơ hội nhận được nền giáo dục có chất lượng.

Theo Khảo sát kinh tế mới nhất của Ấn Độ 2022-2023, tổng chi tiêu cho giáo dục, bao gồm cả chi tiêu cấp quốc gia và cấp tiểu bang, đã tăng thêm 2,9% GDP của đất nước năm 2022 – một tỷ lệ không đổi trong 4 năm qua. 

Con số này thấp hơn nhiều so với tham vọng ngân sách giáo dục của Ấn Độ ở mức 6% GDP được đặt ra trong Chính sách giáo dục quốc gia năm 2020. Tỷ trọng tổng chi tiêu cho giáo dục hàng năm chiếm khoảng 10% tổng chi tiêu của chính phủ trên tất cả các lĩnh vực và giảm xuống dưới 10% kể từ năm 2020-2021.

Trong khi đó, chính sách giáo dục bắt buộc 9 năm ở Trung Quốc cho phép học sinh từ 6 tuổi trên toàn quốc được học miễn phí ở cả trường tiểu học (lớp 1 đến lớp 6) và THCS (lớp 7 đến lớp 9). Chính sách này được chính phủ tài trợ, học phí miễn phí. 

Chi tiêu ngân sách của chính phủ Trung Quốc cho giáo dục giai đoạn 2013-2020.

Giáo dục THPT (lớp 10 đến 12) và giáo dục đại học không bắt buộc và miễn phí ở Trung Quốc.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, chi tiêu quốc gia cho giáo dục đạt gần 5,8 nghìn tỷ NDT (khoảng 840 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 9,13 so với năm trước. Chi tiêu ngân sách của chính phủ cho giáo dục ở mức 4,58 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, chiếm 4,01% GDP của cả nước.

Quyết định không cung cấp hoàn toàn miễn phí chương trình giáo dục phổ thông ở Trung Quốc và Ấn Độ xuất phát từ những thách thức liên quan đến dân số đông, những hạn chế về phân bổ kinh tế và việc ưu tiên các mục tiêu phát triển. 

Cân bằng giáo dục với các nhu cầu cấp thiết khác, đảm bảo giáo dục chất lượng cao và điều hướng bối cảnh văn hóa-lịch sử là những nhân tố phải cân nhắc khi xem xét miễn phí hoàn toàn giáo dục tại 2 cường quốc tỷ dân này.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và giảm chi phí, nhưng việc đạt được nền giáo dục hoàn toàn miễn phí tại Trung Quốc và Ấn Độ này vẫn là một lộ trình dài hạn.

Theo Vietnamnet