Nhật ký, ngày… tháng…năm…
Ngày con chào đời, cả nhà vỡ òa hạnh phúc. Con ngoan, hay ăn, chóng lớn, không khóc nhè, nên ba mẹ bị cuốn vào vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền, mong tương lai tốt đẹp cho con và 3 chị gái.
Khi con được 27 tháng tuổi, thấy con hay chơi một mình, gọi con không quay lại, lảng tránh ánh mắt nên mẹ đưa đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ kết luận: Con bị rối loạn phổ tự kỷ. Mẹ mất 1 tuần nhìn vào kết quả của con với vô vàn câu hỏi hiện lên trong đầu: Mẹ phải làm gì? Tương lai con sẽ như thế nào, nên làm gì cho con…
Con tiến bộ mỗi ngày là niềm vui to lớn với mẹ lúc này. Ảnh: NVCC
Mẹ tìm hiểu cơ sở can thiệp 1 – 1 và bắt đầu vào hành trình tìm ánh sáng cho tương lai của con. Mỗi ngày, mẹ chở con vượt 30km đến trung tâm, rồi quay về trường làm việc. Chiều lại tan làm sớm, đón con về.
Suốt 3 – 4 tháng, con vẫn chưa có biểu hiện gì, nhìn các bạn tầm tuổi con cười nói, lòng mẹ lại đau nhói, mong con gọi tiếng “mẹ”. Dù những ngày nắng hay rét buốt, mẹ con mình vẫn cùng nhau vượt chặng đường như thế. Con dần biết quay lại khi mẹ gọi tên, con ú ớ… cũng là tia hy vọng để mẹ tin vào tương lai.
Lương của mẹ mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, tiền học cho con dù được trung tâm hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn còn 4 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản sinh hoạt khác.
Mẹ buộc phải kéo theo xe lôi đi thu mua phế liệu, tuần nào may mắn, mẹ kiếm được 400.000 – 500.000 đồng, đủ để con uống sữa cả tháng. Tối đến, ai thuê phun thuốc muỗi hay làm bất cứ việc gì… mẹ đều làm, vì con.
Một đời vì con, đồng hành cùng con trên hành trình đặc biệt. Ảnh: NVCC
Nhiều lúc rã rời tay chân, nhưng nhìn con ngủ ngon giấc, mẹ lại như tiếp thêm sức mạnh. Vừa tròn 36 tháng, con bỗng gọi “mẹ Oanh” khiến mẹ vỡ òa hạnh phúc.
Qua các buổi tập huấn của Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” của PNJ và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, mẹ được học kỹ năng tương tác, chơi cùng con, làm gì khi con cáu giận.
Con cũng có thêm những giờ can thiệp 1 – 1 miễn phí dành cho các gia đình khó khăn về kinh tế, đó là điều vô cùng quý giá. Nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua được và rồi dự án đến như sự cứu cánh, tiếp sức mẹ con ta cùng bước tiếp trên hành trình tìm ra ánh sáng tương lai.
Nhiều em nhỏ tham gia ghép tranh chong chóng để hưởng ứng ngày thế giới nâng cao nhận thức về tự kỉ. Ảnh: Đỗ Trường
Mẹ đã nhìn thấy những “quả ngọt”, khi con biết gọi tiếng “chị”, con tiến bộ vượt bậc với nhiều từ vựng mới, có thể hát, đọc thơ. Có ngày mẹ đưa con đến trường của mẹ, con có thể cùng chơi, hòa nhập, ngồi vẽ cùng các bạn. Dù vẫn còn chậm hơn một số bạn, nhưng với mẹ, đó là sự thành công trong can thiệp.
May mắn trời thương cho mẹ sức khỏe, trường mẹ dạy cũng tạo điều kiện cho mẹ đến trường trễ, về sớm để có thời gian đưa đón con. Hơn nữa, trung tâm con theo học có những thầy cô tâm huyết cùng dự án của PNJ hỗ trợ về kỹ năng và kinh phí. Mẹ cảm thấy không đơn độc! Trong hành trình vì tương lai, con luôn có sự hỗ trợ của xã hội, của những người tốt quanh mình.
Đông đảo phụ huynh đồng hành cùng Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em Việt Nam”. Ảnh: Tư liệu
Giờ đây, mẹ luôn đặt niềm tin vào các cô, những trị liệu viên được đào tạo bài bản. Từ các cô và những buổi tập huấn, mẹ học được kỹ năng giao tiếp, chơi cùng con. Chắc chắn rằng, giáo dục là một quá trình để con thẩm thấu.
Mẹ mong rằng Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em Việt Nam” sẽ càng mở rộng về các huyện, thị xa xôi, để các bạn có rối loạn phổ tự kỷ như con có cơ hội được can thiệp.
Ngày sinh nhật 5 tuổi của con cũng đang tới gần, nhìn lại chặng đường vừa qua, mẹ thấy mọi nỗ lực, vất vả đều nhỏ bé so tiến bộ của con. Nếu được vất vả hơn mẹ vẫn chấp nhận. Cố lên con trai! Mẹ luôn ở bên cùng con hòa nhập, phát triển như bạn bè đồng trang lứa!
Tâm sự của chị PHÙNG THỊ OANH (Vĩnh Phúc)