Hấp dẫn bánh canh cá lóc Óc Eo

10/05/2024 - 06:15

 - Bánh canh cá Óc Eo nghe có thể lạ, nhưng lại là món ăn quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người ở thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Cô Nhây gắn bó với nghề trên 20 năm

Bánh canh là đặc sản của nhiều địa phương, được nấu từ các nguyên liệu khác nhau, từ cá lóc, giò heo, hải sản... Mỗi sự kết hợp mang đến một hương vị khác nhau. Có dịp công tác ở thị trấn Óc Eo, tôi được vài người bạn dẫn đi ăn “đặc sản” nơi đây. Món ăn này vừa quen vừa lạ. Quen trong nguyên liệu, nhưng lại khá lạ trong cách chế biến. Thú thật, dù đến thị trấn khá nhiều lần, nhưng lần đầu tiên tôi mới được nghe nói đến.

Người bán là bà Mai Thị Hai (tên thường gọi là Hai Nhây, sinh năm 1967, ngụ khóm Trung Sơn). Bà bày bán nồi bánh canh cùng vài bộ bàn ghế ngay góc đình Phan Thanh Giản, giờ cao điểm thường xuyên hết chỗ ngồi.

“Tôi ăn bánh canh cá lóc cô Nhây từ nhỏ. Lớn lên, lập nghiệp xa quê, nhưng mỗi lần về, tôi nhất định phải ăn món này. Dù rằng ở đâu cũng có bánh canh, nhưng hương vị và sợi bánh canh ở đây gắn liền với tuổi thơ tôi, khó mà quên được!” - chị Quyên (ngụ thị trấn Óc Eo) bộc bạch.

Bà Nhây cho biết, nghề này được mẹ chồng truyền lại hơn 20 năm. Từ ngày về làm dâu, bà được dạy cách ngâm gạo, xay bột. Sợi bánh canh làm từ bột gạo xắt qua nhiều công đoạn vất vả đã tạo nên hương vị rất riêng.

“Từ trưa hôm trước, tôi phải chuẩn bị bột. Hôm sau mới bắt đầu luộc, chia nhỏ bột để ép và xắt sợi. Kể thì đơn giản vậy đó, nhưng có làm mới biết rất mất thời gian và công sức. Gia đình tôi sống nhờ nghề bán bánh canh này, nên dù cực mấy tôi cũng ráng giữ” - bà Hai Nhây tâm sự.

Gạo được bà ngâm từ ngày hôm trước, cứ 2 tiếng trút nước một lần. Ngâm đủ thời gian thì đem đi xay nhuyễn, để cho ráo nước. Muốn bột gạo giữ được mùi thơm đặc trưng, không bị chua, cứ dằn thêm chút muối. Sau khi nhào bột xong, bà chia bột thành từng miếng nhỏ vừa đủ, cán dẹp, dùng dao xắt thành từng sợi cho vào nồi nước sôi, đun cho đến khi bột chín.

Cá lóc cũng được chế biến rất cực công. Sau khi làm sạch, nấu chín và gỡ lấy hết xương, nêm nếm gia vị vừa ăn mới thả vô nồi nấu lấy nước ngọt. Bà Nhây còn cho thêm tép ram vào để tăng vị đậm đà và đặc trưng cho món ăn của mình. “Linh hồn” món ăn là sợi bánh canh bột xắt, cũng được thả vào nồi súp để nấu chung. Bà Nhây chia sẻ, như vậy sợi bánh canh thấm đẫm gia vị, không lạt lẽo khi dùng.

Dù khâu chế biến công phu, nhưng bánh canh chỉ có giá từ 15.000 đồng/tô. Mỗi ngày, bà Nhây xay 6 lít gạo, bán vỏn vẹn trong vài tiếng buổi trưa là hết. Thoạt nhìn, nồi bánh canh cá lóc không có gì đặc biệt. Nhưng khi múc ra tô, sợi bánh canh quyện cùng từng thớ cá lóc phảng phất mùi thơm khó cưỡng. Tô bánh canh bột xắt đục ngầu như cháo, kèm thêm chút hành lá, tiêu, ớt. Chỉ nghe cái vị mặn mòi, chua cay, ngọt dịu đó cũng đủ kích thích từng tế bào vị giác của thực khách.

Bật mí “bí quyết” cho nồi bánh canh thơm ngon, bà Nhây nói, bánh canh được làm hoàn toàn bằng tay. Chọn gạo không quá dẻo, cá lóc và tép thì chọn loại tươi ngon, chú ý khâu chế biến để cá không còn tanh. Đôi tay thoăn thoắt múc từng tô bánh canh không ngơi, bà Nhây cho biết, mỗi ngày bán khoảng 80 - 100 tô, trừ hết chi phí kiếm thu nhập khoảng 200.000 đồng, đắp đổi đủ sống giữa thời buổi chật vật này.

Có người hỏi bà sao không tăng giá bán thời buổi vật giá leo thang. Đáp lại, người phụ nữ ấy chỉ cười: “Khách ăn ngon miệng là được. Lời ít một chút nhưng giữ chân khách, tôi vui lắm rồi!”.

PHƯƠNG LAN