Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của Thầy và Thím, lúc sinh thời thường chữa bệnh cứu người, giúp ngư dân đóng thuyền đánh cá, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây còn là sự kiện văn hóa - du lịch gắn với kỷ niệm 24 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24-10-1995 - 24-10-2019). Dinh Thầy Thím đã tồn tại gần 140 năm và được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 32 (1879), tọa lạc giữa rừng dầu trên khu cát trắng, nay thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, mỗi năm Dinh Thầy Thím đón hàng trăm ngàn lượt khách thập phương đến viếng, dâng hương và tham quan du lịch.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím gồm những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Bên cạnh đó là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như hội thi làm mô hình sự tích Thầy Thím, thi kéo co, làm bánh dân gian, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật dân gian miền biển.
Điểm nhấn của phần hội chính là chương trình nghệ thuật tổng hợp chủ đề "Trường ca Thầy Thím" diễn ra tại lễ khai mạc tối 12/10 do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ TP.HCM biểu diễn, trong đó có nhiều bài hát viết về cuộc đời và công trạng của Thầy Thím với người dân Tam Tân - La Gi.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím đã được tỉnh Bình Thuận chọn là lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đến trải nghiệm cùng lễ hội Dinh Thầy Thím, du khách còn có dịp tham quan các thắng cảnh nổi tiếng ở thị xã La Gi như Hòn Bà, Ngảnh Tam Tân, biển Đồi Dương, Dốc Ông Bằng.
Theo Tổ Quốc