Nằm ở vùng đầu nguồn châu thổ ĐBSCL nên mùa nước nổi ở An Giang thường vào khoảng tháng 7-11 (âm lịch) hàng năm. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và 2 dòng sông Tiền, sông Hậu chảy qua đã mang các sản vật từ thượng nguồn sông Mekong về khắp nơi ở An Giang.
Nhắc đến sản vật mùa nước nổi không thể không nhắc đến con cá linh chỉ xuất hiện mỗi năm một lần. Cá linh có nhiều cách chế biến tùy theo sở thích và độ lớn của cá. Khi cá linh còn nhỏ có thể kho tiêu, chiên bột, nhúng lẩu... Đến lúc cá linh lớn hơn thì đem kho lạt, chiên hay nướng.
Bên cạnh cá linh thì bông điên điển đồng và trái cà na chỉ ra hoa, đậu trái khi mùa nước nổi về. Bông điên điển được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như: xào, làm gỏi, nhúng lẩu, nấu canh, nhân bánh xèo, làm rau ăn kèm bún cá, bún mắm...
Cá lóc nướng trui
Riêng trái cà na thì chỉ cần đập dập chấm muối ớt hoặc ngào đường làm món ăn chơi với vị chua chua, chát chát. Khi xưa đây là món ăn chơi của trẻ con, bây giờ đã trở thành đặc sản mùa nước nổi.
Không giống cá linh mỗi năm chỉ có một lần, cá lóc là loài cá có quanh năm ở miền sông nước nhưng nhiều và ngon nhất chỉ vào mùa nước nổi. Thịt cá lóc chắc, ngọt, ít xương nên thường được dùng để chế biến rất nhiều món ăn hàng ngày, như: nấu canh, kho, chiên, hấp, nấu lẩu...
Đặc biệt, cá lóc nướng trui là món ăn dân dã vô cùng hấp dẫn được nhiều người ưa thích. Không sơ chế hay tẩm ướp gia vị cầu kỳ, cá lóc vừa bắt lên được rửa sạch, xiên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, vùi vào đống rơm khô, sao cho khi rơm cháy hết thì cá vừa chín.
Cá lóc nướng trui khi chín, phủi sạch tro rơm trên thân cá sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Ăn kèm là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc… chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me đều ngon hết sảy.
Chuột đồng nướng
Mùa nước nổi cũng là mùa cua sinh sôi nhiều trên đồng ruộng, kênh, rạch. Thịt cua đồng ngọt thanh và dai thơm thường dùng để nấu canh, lẩu, nấu súp, phổ biến nhất là canh riêu cua, bún riêu cua, cháo riêu cua...
Ngoài ra, cua đồng còn được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, như: rang me, rang muối, nướng, luộc, cua non tẩm ướp chiên giòn... thơm ngon, lạ miệng. Giống như cua đồng, đây cũng là thời điểm các loài ốc sinh sôi và phát triển.
Lúc này con ốc mập ú, no tròn, béo ngậy. Ốc được chế biến nhiều món ăn ngon như: ốc nhồi thịt, ốc xào sả ớt, ốc rang me, ốc luộc sả, ốc nướng tiêu… được rất nhiều người ưa chuộng và là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu vào mùa nước nổi.
Cá linh mùa nước nổi
Thịt chuột cũng là món ăn quen thuộc của người dân ở miền Tây. Chuột đồng thường đào hang sống ở bờ bao ruộng. Chuột đồng có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào thời điểm lúa chín vàng đồng, lúc này chuột to, lông bóng mượt, thịt đặc biệt thơm ngon.
Vào mùa nước nổi tràn đồng, chuột tìm đến những bờ đê, gò đất cao hoặc leo lên cây để sinh sống, vì vậy nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi đặt rập bắt chuột chúng bớt sinh sôi cắn phá lúa. Chuột từ đấy cũng được chế biến thành nhiều món đặc sản, như: chuột quay lu, nướng mọi, khìa nước dừa, xào củ kiệu, chiên... Mỗi món có hương vị riêng khiến người ăn phải nao lòng nhớ mãi.
Nhắc đến mùa nước nổi, không thể không nhắc đến các món ngon từ thịt rắn. Mùa này, khắp nơi đều ngập nước, rắn tập trung trú ẩn tại những nơi gò đất, cây cao để kiếm ăn và sinh sôi nẩy nở nên rất dễ tìm. Các loại rắn phần lớn là không độc cũng không thuộc loài quý hiếm, như: rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn trun…
Tùy từng loại rắn mà người ta chế biến theo cách riêng, như: chiên giòn, nấu cháo đậu xanh, xào xả ớt, nướng lèo, hầm sả, làm gỏi, nấu lẩu… ăn không hết người ta còn làm khô rắn là món ngon đặc sản nổi tiếng.
Đó chỉ là một số trong số rất nhiều món ăn dân dã do những bàn tay chế biến, vị giác tinh tế kết hợp hoàn hảo với óc sáng tạo của người dân sinh sống, mưu sinh cùng mùa nước nổi nơi đây. Nếu có dịp về An Giang, bạn hãy thử một lần thưởng thức những món ăn dân dã này để hiểu rõ hơn nét văn hóa ẩm thực mùa nước nổi độc đáo của vùng đất và con người An Giang.
PHÚC LÂM