Nói về đu đủ đâm gần như ai cũng mê tít bởi đây là món gỏi ăn chơi, ăn nhanh với đầy đủ hương vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt, mằn mặn. Trên tuyến đường từ thị trấn Tri Tôn vào đồi Tức Dụp và hồ Ô Thum, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn với món gà đốt và đu đủ đâm, nhưng ấn tượng nhất phải kể đến món đu đủ đâm của cô chủ Srey Lan Sine (tên Việt thường gọi là Chế Lan), bán tại nhà (gần Trường Mẫu giáo Châu Lăng, Tỉnh lộ 948, thuộc ấp An Lợi, xã Châu Lăng). Bởi Lan Sine đã biết cách làm tăng thêm hương vị cho món ăn, gia giảm nguyên liệu để phù hợp với khẩu vị người Việt.
Chia sẻ về nghề, Lan Sine nói: “Ngày trước tôi bôn ba nhiều nơi và có vài năm sinh sống tại PhnomPenh (Campuchia) với nghề trang điểm, làm tóc. Trong quãng thời gian đó tôi được bạn bè rủ đi ăn nhiều món ngon, trong đó món ăn làm tôi ấn tượng nhất là đu đủ đâm. Ban đầu đơn giản chỉ là thích, đến khi vì hoàn cảnh gia đình tôi buộc lòng trở về quê nhà, khi đó không có việc làm tôi nghĩ đến việc làm cho bằng được món ăn độc đáo này”.
Srey Lan Sine trộn xong đĩa đu đủ đâm
Nghĩ là làm, Lan Sine hì hục chuẩn bị nguyên liệu, rồi qua nhiều lần thất bại mới tạo nên một công thức thật chuẩn. Để tạo nên một dĩa đu đủ đâm theo phong cách mới, theo Lan Sine phải sử dụng các loại rau tươi tự nhiên, hải sản tươi sống, các loại nước mắm tự chế biến mới kiểm soát được hương vị.
Trước tiên và quan trọng nhất vẫn là đu đủ, không nên chọn đu đủ “mỏ vịt” (đã chín nhẹ) mà chọn đu đủ sống để đảm bảo độ giòn khi bào thành sợi nhỏ. Kế đến là các loại rau muống đồng, đậu đũa, cà rốt, cà chua để sống, bắp hạt vàng luộc chín trộn cùng với đu đủ. Trong quá trình đâm và trộn các loại rau với nhau, cho thêm chanh, nước mắm, đường thốt nốt, chút ớt bột, đậu phộng rang, mắm ba khía đã trộn sẵn, chút ít chả lụa, sò huyết, tôm, mực, ghẹ đã luộc sẵn.
Nếu khách thích thưởng thức hải sản sống cũng có thể trộn vào. Với cách ăn này, thịt hải sản càng ngọt, không bị tanh mà còn dậy mùi thơm vì đã có nước cốt chanh làm cho hải sản chín tái. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chỉ vài phút Lan Sine đã làm thành phẩm một dĩa đu đủ đâm với màu sắc và hương vị hấp dẫn.
Món đu đủ đâm khi ăn dùng kèm thêm với bún mà không cần đến bất kỳ thứ nước chấm nào, bởi tất cả hương vị chua, cay, mặn, ngọt, bùi đã hòa quyện đầy đủ vào trong món ăn. Anh Võ Trung Hiếu (một thực khách đến từ TP. Long Xuyên, An Giang) đang thưởng thức món ăn tại quán chia sẻ: “Nghe bạn bè giới thiệu món đu đủ đâm theo phong cách mới ở Châu Lăng rất ngon, lạ miệng nên tôi lần theo thông tin trên trang Facebook cá nhân của chủ quán để tìm đến. Quả thật tôi chưa bao giờ được thưởng thức món gỏi với nước trộn đậm đà đến vậy. Sợ còn lưu luyến hương vị tôi đã mua thêm cả chục suất về tiếp tục thưởng thức cùng gia đình”.
24 tuổi, Lan Sine không những là một cô gái trẻ khéo tay mà còn thông thạo công nghệ. Cô thường xuyên livestream cách chế biến nguyên liệu, cách trộn gỏi, đâm đu đủ, hình ảnh món ăn thành phẩm để cộng đồng gần xa biết đến. Ai có thời gian thì đến thưởng thức, thích ăn tại nhà Lan Sine cũng tận tình nhận đặt hàng và giao hàng tận nơi. Mỗi ngày 60-70 suất hàng đi giao, với giá 40.000 đồng/suất đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Lan Sine.
Chị Trần Thị Thu Ngân (ngụ khóm 4, thị trấn Tri Tôn - một “fan” ruột của Lan Sine) chia sẻ: “Món ăn dân dã, không đắt tiền mà mang đầy đủ hương vị, phong cách ẩm thực của các dân tộc. Cô ấy đã bổ sung thêm món ngon để góp phần tạo nên ấn tượng cho khách du lịch đến với Tri Tôn. Món bánh dứa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng được chị lưu giữ và mang thêm phong cách mới, có dịp du khách cũng nên thưởng thức vì hương vị rất độc đáo và thú vị”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG