ĐBSCL là vùng đất trù phú, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt được thiên nhiên ban tặng nguồn nguyên liệu cá nước ngọt dồi dào, phong phú và đa dạng, nhất là vào thời điểm mùa lũ hàng năm. Để giữ cá được lâu, người dân dùng cá để phơi khô và làm mắm trữ lại ăn từ từ, như: mắm thái, mắm cá sặc, mắm cá chốt, mắm cá lóc, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm ba khía, mắm tôm, mắm tép...
Từ đó, mắm đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình người dân miền sông nước. Dần dần đến nay, đã xuất hiện rất nhiều món ăn đặc sắc được chế biến theo nhiều cách khác nhau từ các loại mắm cá này, như: mắm kho, mắm chưng, mắm chiên, mắm sống... Trong đó, không thể không nhắc đến món lẩu mắm.
Theo các cao niên, lẩu mắm được phát triển dựa trên chính món mắm kho. Mắm kho là món ăn thường ngày được các gia đình ở ĐBSCL nấu để ăn với cơm. Còn lẩu mắm thì được nấu trong các đám giỗ, tụ họp gia đình hay để đãi khách đến chơi cùng nhau vừa ăn, vừa trò chuyện tâm sự.
Qua thời gian, nguyên liệu và cách nấu lẩu mắm được biến tấu và thay đổi nhiều cách khác nhau để phù hợp với khẩu vị và sở thích của từng người ăn. Tuy nhiên, công thức căn bản trong cách nấu vẫn được gìn giữ để tạo nên hương vị lẩu mắm thơm ngon, độc đáo.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên (68 tuổi, TX. Tân Châu) cho biết, lẩu mắm mặc dù là món ăn dân dã nhưng để chế biến được một nồi lẩu mắm ngon thì không phải điều đơn giản. Nói đến lẩu mắm thì khâu đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ là chọn loại mắm cá để nấu nước lẩu. Có nhiều loại mắm được làm từ nhiều loại cá khác nhau nhưng dùng để nấu lẩu ngon nhất vẫn là mắm cá linh và mắm cá sặc. Vì 2 loại mắm cá này sẽ làm nên độ thơm ngọt và béo của nồi nước lẩu.
“Mắm cá linh, cá sặc sau khi nấu cùng nước dừa, lọc bỏ xương, lấy nước. Cho tỏi băm, sả, ớt và thịt ba rọi xào thơm rồi cho vào nồi nước lẩu. Độ đậm nhạt của nước lẩu được gia giảm phù hợp với khẩu vị, người nấu sẽ có những cách nêm nếm và “bí quyết” nấu lẩu khác nhau. Đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định độ ngon của nồi lẩu mắm” - bà Liên chia sẻ.
Có lẽ không có một loại lẩu nào có thể kết hợp nhiều nguyên liệu và sử dụng nhiều loại rau ăn kèm như lẩu mắm ở ĐBSCL. Không gò bó như những món ăn khác, sự hấp dẫn của món lẩu mắm chính là sự đa dạng của các nguyên liệu ăn kèm. Tất cả các loại cá nước ngọt, như: cá basa, cá hú, cá linh, cá lóc, cá bông lau, cá điêu hồng, cá rô, cá chạch... cho đến các loại: ốc, lươn, lịch, tôm, mực, cá kèo và nhiều loại rau, như: rau nhút, rau đắng, bông điên điển, bông bí, bông súng, bông lục bình, cù nèo, rau muống, mồng tơi, cà tím, đậu rồng, bông so đũa, khổ qua, bắp chuối, cải xanh, rau dừa… đều có thể hòa cùng hương vị trở thành một phần của nồi lẩu mắm.
Vị béo, ngọt của các loại cá tươi kết hợp với vị thanh mát của các loại rau hòa quyện vị mằn mặn, thơm nồng của mắm cá, cay cay của sả, ớt tạo cho người ăn cảm giác vừa lạ, vừa quen, không bao giờ có thể quên được hương vị của nó.
“Tôi rất thích ăn lẩu mắm, đây là món ăn đặc biệt chỉ có ở ĐBSCL. Món ngon bởi nước lẩu được nấu từ mắm cá đậm đà hương vị kết hợp với các loại cá và rau tươi ngon vùng sông nước. Năm nào cũng vậy, khi về An Giang du lịch là cả gia đình tôi phải ăn cho bằng được lẩu mắm mới chịu về” - cô Lê Thị Yến Linh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Nếu có dịp về miền sông nước ĐBSCL, đừng quên thưởng thức nồi lẩu mắm đậm đà, hấp dẫn làm say lòng bao du khách phương xa để cảm nhận sự ấm áp, nhân hậu, chân chất, nghĩa tình của người dân nơi đây.
TRỌNG TÍN