Hạt gạo nghĩa tình

19/03/2021 - 06:21

 - Hỗ trợ gạo định kỳ hàng tháng cho hộ nghèo là việc làm ý nghĩa do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên (An Giang) thực hiện từ nhiều năm qua. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động của hội phải tạm ngưng, song những hạt gạo nghĩa tình luôn được duy trì.

Hỗ trợ gạo tháng 3 cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật

Mô hình hỗ trợ gạo định kỳ hàng tháng cho hộ nghèo còn được gọi là “Hủ gạo tình thương”. Ra đời từ năm 2015, đến nay, số hộ được nhận gạo định kỳ luôn tăng lên. Với số lượng khoảng 20 hoàn cảnh ban đầu, đến nay là 53 hoàn cảnh. Như một nét đẹp, những bao gạo trắng ngần, tuy không lớn về vật chất nhưng chứa đựng biết bao tình thương với những mảnh đời cơ nhỡ, tâm thần, già yếu.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu cho biết: “Trước khi quyết định hỗ trợ trường hợp nào, chúng tôi liên hệ chính quyền địa phương để xác minh sự việc, đến thăm nhà, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình. Nhờ cách làm cẩn thận này, các trường hợp trao gạo định kỳ đều đúng người, đúng hoàn cảnh. Tuy mất nhiều thời gian trong khâu xác minh, tìm hiểu nhưng vì hạt gạo ấy là hạt gạo nghĩa tình, được nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay góp sức nên không thể làm chiếu lệ, qua loa được”.

Cũng theo chia sẻ của cô Bảo Châu, do dịch bệnh COVID-19 không ít hoạt động ý nghĩa của hội phải tạm hoãn. Song, dù khó khăn thế nào, hội vẫn quyết tâm duy trì “Hủ gạo tình thương” này. Dẫu rằng, thời buổi dịch bệnh, làm ăn khó khăn, việc vận động, kêu gọi vật chất có thể sẽ vất vả hơn rất nhiều, nhưng cô Bảo Châu vẫn mang trong lòng niềm tin rất lớn về 2 chữ “tình người”. Kênh vận động chính của hội là mạng xã hội Facebook.

Giữa thời đại công nghệ số như hiện nay, không ít người cho rằng, mạng xã hội đa phần là “ảo”. Âu cũng là có nguyên do của nó khi mà số người bị gạt trên mạng cũng không ít. Nhưng với cô Bảo Châu, Facebook là kênh vận động rất hiệu quả của hội. Bởi, trước khi muốn đăng hoàn cảnh nào cần được giúp đỡ, cô Châu và các thành viên trong hội đều xác minh rất kỹ từ chính quyền địa phương với phương châm: “Người thật, việc thật, hoàn cảnh thật”. Nhờ vậy, các hoàn cảnh cô kêu gọi đều được hỗ trợ nhiệt tình. Đó là nguyên do nhiều người tin tưởng việc làm của hội và sẵn sàng ủng hộ khi cần. Đây là một trong những nguyên nhân giúp “Hủ gạo tình thương” của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên duy trì tốt trong mùa dịch bệnh.

Điểm đặc biệt của mô hình này là mỗi tháng hỗ trợ gạo, hội huy động rất nhiều tình nguyện viên, sự giúp sức của các phường, xã để mong có đủ người mang gạo đến trao cho các hoàn cảnh đáng thương. “Làm từ thiện là phải đi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe để chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn. Khi bắt đầu thực hiện mô hình này, tôi đã truyền đạt với các thành viên trong hội, việc làm này sẽ rất khó khăn và vất vả, vì vừa vận động, vừa đến tận nhà trao, không thông qua trung gia. Mọi người đều đồng tình với cách làm ấy, tôi rất vui. Mỗi hoàn cảnh, hội sẽ hỗ trợ định kỳ 300.000 đồng, gồm: gạo và tiền mặt.

Quá trình đi thực tế trao gạo, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hội sẽ cân nhắc hỗ trợ thêm. Mỗi tháng, chúng tôi mất khoảng 4 ngày (đi trao liên tục cả buổi sáng và chiều) mới hết 53 hoàn cảnh cần giúp. Dù cực nhưng nhiều nhà hảo tâm cũng muốn tham gia những chuyến trao gạo định kỳ của hội. Chúng tôi rất mừng vì được ủng hộ vật chất và tinh thần từ các nhà hảo tâm! Những chuyến đi như vậy, đôi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật thê lương quá, có nhà hảo tâm đứng ra nhận bao bọc hàng tháng” - cô Bảo Châu chia sẻ.

Điển hình như trường hợp anh Đặng Tấn Đạt (ngụ khóm Tây Thạnh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) bị tai nạn nghề nghiệp do trong lúc tháo dỡ giàn giáo, anh Đạt bị điện giật, té từ trên cao xuống làm gãy xương đùi, xương cổ nên bị liệt toàn thân. Hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, cha mẹ già khóc từng ngày vì cảnh con trai đang độ trai tráng, khỏe mạnh phải chịu cảnh nằm bất động.

Sau những chuyến theo hội hỗ trợ gạo hàng tháng, đã có nhà hảo tâm đứng ra nhận hỗ trợ tiền hàng tháng giúp đỡ gia đình anh Đạt với số tiền 400.000 đồng/tháng. Những suất gạo nhận được rồi cho đi, “Hũ gạo tình thương” vơi rồi lại đầy đã mang lại sự no lòng cho nhiều hoàn cảnh túng thiếu. Cứ thế, vừa trao gạo hỗ trợ xong, cô Bảo Châu trăn trở với nỗi lo, tháng sau phải tích cực vận động hơn nữa để hạt gạo nghĩa tình đến với người khó khăn, ốm đau, bại liệt.

“Nhờ được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên giúp đỡ, hỗ trợ, cha con tôi có nơi ăn, ở, chạy thận. Quý và cảm phục những việc làm của hội, tôi đã tình nguyện tham gia hội để góp phần giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn như mình” - chú Phạm Văn Ai (hội viên Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên) bày tỏ.

PHƯƠNG LAN