Trong báo cáo đăng tải trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà nghiên cứu phân tích hậu quả của vụ phun trào núi lửa Los Chocoyos, nằm ở vùng cao nguyên Guatema cách đây 75.000 năm.
Ngày nay, địa điểm phun trào là một hồ nước khổng lồ, Atitlán Caldera, được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa hình nón: Atitlán, Tolimán và San Pedro.
(Ảnh minh họa)
Vụ phun trào này là một trong những vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất trong 100.000 năm qua.
Tro núi lửa được tìm thấy ở một số nơi trên cao nguyên Guatemala và trong trầm tích từ lõi biển sâu ở Thái Bình Dương, Vịnh Mexico và thậm chí ở Đại Tây Dương.
Theo kết quả mô phỏng trên máy tính, thảm họa làm thay đổi tạm thời chế độ gió trong tầng bình lưu nhiệt đới và thay đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Ngoài ra, nó còn chặn ánh sáng Mặt trời và làm nguội các phần trên bề mặt Trái đất.
Nhóm nghiên cứu phân tích trầm tích trong các lớp địa chất hình thành sau vụ phun trào và phát hiện ra rằng thảm họa này khiến một lượng lớn lưu huỳnh, clo và brôm thải vào khí quyển.
"Vụ phun trào gây ra sự gián đoạn trong 10 năm đối với QBO (sự thay đổi luân phiên các hướng gió trong tầng bình lưu ở vùng nhiệt đới). QBO bắt đầu thay đổi bốn tháng sau vụ phun trào. Gió mùa đông bất thường kéo dài trong năm năm, sau đó là gió tây trước khi trở lại điều kiện bình thường", Kirstin Krüger, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Ngày này, QBO ảnh hưởng đến lượng mưa gió mùa và hoàn lưu khí quyển ở Bắc bán cầu trong mùa đông.
Theo DIỆU HOA (VTC News)