Nhà hảo tâm An Giang giúp người dân miền Trung sau lũ
Chưa bao giờ 2 chữ “thiện nguyện” lại được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội như thời gian qua. Bởi, xuất phát từ hành động đẹp của ca sĩ Thủy Tiên, người đã đứng ra kêu gọi bạn bè, giới ca sĩ và người dân đóng góp trên 150 tỷ đồng. Sau đó, cô đã trực tiếp đến từng hộ dân trao từng suất quà cho người dân vùng lũ. Mặc dù đâu đó còn có những ý kiến trái chiều như cách thức sử dụng tiền của cô ca sĩ có minh bạch không, có vi phạm pháp luật vì không có tư cách pháp nhân trong vận động...
Thế nhưng, bằng cái tâm yêu thương, san sẻ với người dân vùng lũ, Thủy Tiên làm tốt “nhiệm vụ” của mình. Để rồi sau đó, các luật gia lên tiếng về Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cần có những điều chỉnh phù hợp hơn.
Lúc tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp hơn, những vụ lạt lở đất đã làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhà ngập sâu trong nước, chỉ còn biết cầu cứu trên nóc nhà. Chứng kiến tình cảnh ấy trên báo, đài, nhiều tổ chức, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, những nhóm thiện nguyện trên cả nước đã “chạy đua” từng ngày trong việc vận chuyển các nhu yếu phẩm đến bà con vùng lũ.
Đó là những đòn bánh tét thân thương của người dân Đồng Tháp, những chiếc bánh gói vội của người dân Cần Thơ chuyển lên máy bay ra vùng lũ, những suất xôi của nhiều chị phụ nữ; bánh ngọt, xúc xích, sữa, nước suối, mì gói, gạo, quần áo cũ, áo phao… những gì có thể cứu đói, cứu rét cho người dân lúc này đều được mọi người huy động tối đa.
Dân tộc Việt Nam rất đoàn kết, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau mỗi khi có vùng, miền rơi vào cảnh khó khăn. Bởi, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến đồng bào mình giành giật sự sống với cái chết, chứng kiến cảnh người thân, tài sản lần lượt ra đi trong cơn lũ dữ.
Hãy yêu thương và giúp đỡ nhau bằng cả tấm lòng
Một đợt lũ lịch sử đi qua, những nghĩa cử cao đẹp được thắp sáng lên nhưng cùng với đó là nỗi lo về văn hóa thiện nguyện. Bởi đâu đó vẫn còn những tấm lòng hảo tâm e ngại vướng phải những quy định của pháp luật hay các tấm lòng nhân ái đứng ra vận động cứu trợ cấp bách lại lo sợ “những anh hùng bàn phím” không làm được gì nhưng thích chỉ trích, đa nghi, phê phán.
Đó còn là sự nhân danh từ thiện của một số cá nhân để trục lợi, ăn chặn tiền cứu trợ, tin giả xuyên tạc cán bộ cắt xén hàng hóa, tiền cứu trợ của người dân. Các nhóm làm thiện nguyện để nổi tiếng, không tận tay trao hàng hóa cho người dân mà ném hàng cứu trợ một cách phản cảm, một số người dân tặng quần áo cũ mà tặng cả quần sọt ngắn, áo ngủ 2 dây…những điều buộc công chúng phải bàn tán, lên án gay gắt trong những ngày qua.
Những hậu quả của mưa lũ vẫn còn đó, người dân miền Trung còn đối mặt với nhiều thách thức sau lũ và những cơn bão bất ngờ ập đến trong mùa mưa bão năm nay. Do vậy, hơn lúc nào hết những tấm lòng nhân ái trên cả nước vẫn đang từng ngày, từng giờ có những hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung. Đó là những nghĩa cử vô cùng đáng quý và sẽ ngày càng tròn trịa hơn nếu mỗi người có thêm ý thức trong lúc làm thiện nguyện, hãy cho bằng cả tấm lòng bởi “của cho không bằng cách cho”, không giúp được vật chất thì giúp nhau bằng tinh thần, bởi chính sự đoàn kết, tương trợ nhau trong khó khăn, hoạn nạn sẽ tạo nên sức mạnh toàn dân tộc.
2 đợt dịch bệnh COVID-19, 1 đợt mưa lũ lịch sử miền Trung là những minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết ấy. Mỗi người dân nước Việt hãy cố gắng phát huy!
Bài, ảnh: NGỌC GIANG