Những người theo dõi bầu trời ở vùng tây bắc Thái Bình Dương đã chứng kiến một vụ nổ kèm phát sáng rực rỡ như một trận mưa sao băng tuyệt đẹp trên bầu trời vào đêm ngày 25/3.
Trong những đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những vệt sáng giống như một trận mưa sao băng chuyển động chậm xuất hiện trên đầu. Trong đó có hàng chục quả cầu phát sáng kéo theo những cái đuôi rực lửa trên bầu trời.
Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng đó là mảnh vỡ tên lửa SpaceX.
Trung tâm thời tiết quốc gia Mỹ cho biết: "Nhiều báo cáo ghi lại về vật thể sáng lan rộng trên bầu trời Mỹ là các mảnh vỡ từ giai đoạn 2 của tên lửa Falcon 9. Dựa trên đoạn video ghi lại được cho thấy điều này có vẻ đúng hơn là một thiên thạch hoặc vật thể tương tự vì các vật thể tự nhiên khác sẽ di chuyển nhanh hơn rất nhiều khi va chạm với bầu khí quyển của chúng ta".
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, tia sáng là một sao băng sáng và thường được gọi là quả cầu lửa.
Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell, Đại học Harvard, mảnh vỡ có khả năng đến từ tên lửa Falcon 9 đã phóng vào ngày 4/3 để đưa một số vệ tinh internet Starlink vào quỹ đạo.
Starlink là một tập hợp của hơn 1.000 vệ tinh đang được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, tập hợp này cuối cùng sẽ bao gồm hơn 30.000 vệ tinh.
Theo McDowell, giai đoạn hai của tên lửa phóng vào ngày 4/3 "không thành công", có nghĩa là nó đã không rơi xuống vị trí như dự kiến. Sau ba tuần trôi dạt trong bầu khí quyển, cuối cùng vật thể đã rơi, bị phá vỡ trong một vụ nổ ngoạn mục.
Các chuyên gia cho rằng không có bất kỳ mảnh vỡ nào trong số những mảnh vỡ bốc cháy xuyên qua bầu khí quyển gây ra thiệt hại.
Theo McDowell, những mảnh rác vũ trụ lớn bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái Đất thường xuyên hơn bạn tưởng.
Theo HOÀNG DUNG (Vietnamnet)