Theo Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang (gọi tắt là Hội đồng), hàng năm, Hội đồng ban hành kế hoạch hoạt động thực hiện công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Trên cơ sở kế hoạch của Hội đồng phối hợp liên ngành, các ngành là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, ban hành kế hoạch triển khai công tác phối hợp về TGPL đến các phòng, đơn vị trực thuộc để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Thời gian qua, lãnh đạo các ngành luôn quan tâm chỉ đạo cán bộ, công chức, đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác TGPL, số lượng đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác thuộc diện được TGPL được biết, tiếp cận và được giải thích về quyền được TGPL ngày càng cao. Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, công tác TGPL bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Hoạt động phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ngày càng được nâng cao
Sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL Nhà nước chuyển biến tích cực; người có công với cách mạng, người nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, người cao tuổi có khó khăn về tài chính cũng được quan tâm, hướng dẫn về quyền được TGPL và đề nghị trung tâm phân công người thực hiện TGPL theo quy định. Ngay sau khi nhận được thông tin về người bị buộc tội, bị hại, đương sự do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, trợ giúp viên pháp lý kịp thời liên hệ xác minh thông tin và thực hiện các thủ tục TGPL cho người thuộc diện TGPL. Trong quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL, tham gia bào chữa, bảo vệ tại Tòa án nhân dân 2 cấp, thể hiện trình độ chuyên môn sâu và có bản lĩnh nghề nghiệp.
Qua công tác tăng cường thực hiện truyền thông về TGPL và đổi mới truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông. Từ đó, nhận thức về quyền được TGPL và pháp luật về TGPL của cán bộ và người dân nhất là người thuộc diện được TGPL được nâng lên rõ rệt, ngày càng có nhiều người dân biết và tìm đến Trung tâm TGPL Nhà nước để yêu cầu được TGPL. Kết quả thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng, đã thực hiện 565 vụ việc, liên quan 598 đối tượng, so cùng kỳ năm 2023 tăng 116 vụ (tăng 25,9%). Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 542 vụ; luật sư ký hợp đồng thực hiện 23 vụ.
Thời gian qua, công tác phối hợp thực hiện TGPL ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất, số lượng và chất lượng các vụ việc TGPL ngày càng được chú trọng và nâng cao, hoạt động TGPL có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin với Nhân dân với Đảng và Nhà nước. TGPL trong hoạt động tố tụng góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi có khó khăn về tài chính... Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và người dân thuộc diện được TGPL nói riêng hiểu rõ về các quy định của pháp luật, để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
SONG MINH