Hiệu quả dự án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

15/02/2022 - 08:59

 - Sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2022 sẽ là thời điểm để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bỏ qua mất mát cùng với những gam màu u tối, đại dịch COVID-19 được nhận định là chất xúc tác để các mô hình sản xuất - kinh doanh đột phá. Đặc biệt, những người trẻ, với sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì đây được xem là cơ hội và là thách thức để các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của mình.

Nhờ nguồn vốn vay từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã giúp cơ sở bánh phồng của bạn Trúc Ly phục vụ tốt thị trường Tết

Năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ, khảo sát thực tế và thẩm định 10 dự án của thanh niên làm kinh tế ở các địa phương, với đa dạng các mô hình, như: Trồng nấm bào ngư, chạm khắc gỗ, nuôi lươn… Qua đó, đã giải ngân vốn vay trên 600 triệu đồng cho các mô hình, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trương Thanh Thúy cho biết, năm 2022, bằng hình thức cho vay vốn trả chậm, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho thanh niên. Theo đó, mục tiêu đề ra là tiếp sức cho 15 dự án với mức giải ngân 1 tỷ đồng, tạo điều kiện tối đa cho các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, đây sẽ là sự hỗ trợ thiết thực nhất. Bên cạnh đó, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm do thanh niên khởi nghiệp sản xuất, giúp các sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận người tiêu dùng.

Năm 2022, trung tâm sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn để thanh niên hiểu khởi nghiệp cần làm gì, mạnh dạn khởi nghiệp để có thể giữ nguồn lao động trẻ tại địa phương. Ngoài ra, dự kiến sẽ tổ chức cho các bạn thanh niên cùng các sản phẩm khởi nghiệp tham gia quảng bá, giao lưu, trao đổi các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với các vùng, miền. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trung tâm kịp thời hỗ trợ giải ngân 2 dự án của thanh niên làm bánh phồng và nuôi lươn, với số vốn vay 140 triệu đồng. Trong đó, dự án hỗ trợ thanh niên làm bánh phồng ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ (huyện Phú Tân) là tái vay vốn vì hoạt động sản xuất hiệu quả, hiện đang cần nguồn vốn để đầu tư nguyên liệu sản xuất bánh phồng cung ứng ra thị trường dịp Tết.

Làng nghề truyền thống bánh phồng Phú Mỹ (huyện Phú Tân) nổi tiếng nhờ nguyên liệu làm bánh là nếp bản địa. Bánh phồng Phú Mỹ không chỉ là đặc sản ở địa phương mà còn vang danh, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho trên 100 lao động tại chỗ, với nhiều cơ sở tâm huyết gắn bó với nghề. Những người có thâm niên thì nặng nợ với nghề vì đây là nghề nuôi sống cả gia đình, giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương. Còn những người trẻ, được nghề truyền thống của gia đình nuôi lớn thì ấp ủ những dự tính đầu tư, cải tiến máy móc vào các công đoạn sản xuất bánh phồng. Chỉ có như vậy, người làm mới đỡ cực, sản lượng làm ra nhiều hơn, đủ cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là vào dịp Tết - mùa sản xuất xôm tụ và đắt hàng nhất trong năm.

Bạn Trần Thị Trúc Ly (ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) là thanh niên được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hỗ trợ tái vay với số vốn 80 triệu đồng. Có được nghề truyền thống của gia đình, Trúc Ly mạnh dạn xin vay vốn để có thể dùng máy móc để thay thế những công đoạn làm thủ công như trước giờ, tốn thời gian, mà sản lượng làm ra không nhiều. Năm 2019, sau khi được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho vay 50 triệu đồng theo lãi suất thấp và trả chậm trong 2 năm, cùng với số vốn của gia đình, Trúc Ly mạnh dạn đầu tư, từng bước cơ giới hóa các công đoạn làm bánh phồng truyền thống của gia đình. Hiện tại, cơ sở đã có máy quết, máy cán bánh… nhờ vậy, chỉ mất 10-15 phút đã làm ra được ổ bánh đẹp, chất lượng, so với làm bằng tay như trước đây. Nhờ sản xuất được số lượng nhiều, đảm bảo được hương vị truyền thống, chủ động tiếp cận thị trường nên sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến.

Vào dịp Tết Nguyên đán, dù đã tăng sản lượng lên 2-3 lần so với ngày thường, nhưng vẫn không đủ bánh phồng để cung ứng. “Không riêng gì cơ sở của gia đình mà các cơ sở ở làng nghề vẫn e ngại tình hình dịch bệnh nên không dám chuẩn bị hàng trước mà chủ yếu vừa sản xuất, vừa đánh giá thị trường. Tuy vậy, thời điểm Tết Nguyên đán năm nay, ngoài những mối lấy hàng mỗi ngày, còn thêm mối cũ cũng lấy số lượng nhiều nên thời điểm Tết, bánh làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán. Nhờ có được nguồn vốn vay hỗ trợ nên gia đình kịp thời chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất, giúp tăng thu nhập” - Trúc Ly giải thích.

Các mô hình khởi nghiệp của thanh niên muốn thành công phải gắn với thực tiễn, nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc đầu tư mạo hiểm, thì việc tự làm mới những mô hình kinh doanh của gia đình, nghề truyền thống của ông bà cũng là mô hình khởi nghiệp sáng tạo.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích