An Giang tập trung nguồn lực cho năm học mới

30/08/2024 - 05:18

 - Năm học mới 2024 - 2025 khởi động, học sinh đã tựu trường và chỉ còn gần 1 tuần nữa là khai giảng năm học mới. Tăng cường chính sách, phối hợp các cấp, ngành và toàn xã hội để đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)… cho năm học đặc biệt quan trọng này.

Đảm bảo sẵn sàng

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp, ngành, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy, cô giáo và các em học sinh, công tác GD&ĐT ở An Giang đạt nhiều kết quả.

Ngành GD&ĐT quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Là địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời điểm này, tất cả các điểm trường tại TX. Tịnh Biên cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất, huy động học sinh sẵn sàng năm học mới. Tại xã An Cư, nơi có hơn 90% học sinh là dân tộc thiểu số Khmer đang theo học tại 8 trường mầm non, tiểu học và THCS, công tác chuẩn bị đã chủ động từ sớm.

Phó Chủ tịch UBND xã An Cư Huỳnh Thanh Hải thông tin: “Ngay từ đầu tháng 8/2024, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp bằng nhiều hình thức. Địa phương tăng cường kêu gọi, vận động học sinh ra lớp trên hệ thống truyền thanh cơ sở. UBND xã còn tổ chức các đoàn đến tận nhà những học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động các em ra lớp”.

UBND xã phối hợp hội khuyến học, các đoàn thể vận động xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ học sinh nghèo được đến lớp. Nhất là, đối với những học sinh là dân tộc thiểu số Khmer, khó khăn nhất là trường hợp các em theo cha mẹ đi làm ăn xa, gia đình quá khó khăn nên có ý định cho con em dừng việc học… được đặc biệt quan tâm.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất. Ban giám hiệu trường phối hợp địa phương rà soát, thông tin đến gia đình học sinh về các mốc thời gian của năm học mới.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên Lê Hồ Thảo Trang thông tin: “Căn cứ khung kế hoạch năm học 2024 - 2025 của tỉnh và thị xã, trường triển khai các đầu công việc của năm học mới. Theo kế hoạch, trường sẽ giảng dạy 375 học sinh thuộc 4 khối lớp trong năm học 2024 - 2025.

Vì là cơ sở giáo dục đặc thù với 95% học sinh là dân tộc thiểu số Khmer, chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh, giảng dạy với chất lượng tốt nhất. Tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh phát huy tư duy tích cực và chủ động trong học tập. Các giáo viên tăng cường thực hiện giảng dạy lý thuyết gắn với thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phòng GD&ĐT TX. Tịnh Biên đã tham mưu UBND thị xã đôn đốc các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành xây dựng mới 73 phòng học, 21 phòng tin học và cải tạo 287 phòng học tại các điểm trường phục vụ năm học mới.

Phó trưởng phòng GD&ĐT TX. Tịnh Biên Phạm Ngọc Linh cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển GD&ĐT của thị xã. Mục tiêu là phải huy động học sinh ra lớp đạt chỉ tiêu; tăng cường hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số Khmer đủ điều kiện đến trường”.

Huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường

Chia sẻ nỗi lo...

Mỗi khi bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh lại phải “gồng gánh” nhiều mối lo. Bởi, có rất nhiều khoản tiền phải chi, phải chuẩn bị cho con đến trường, như: Tiền học phí, tiền sách vở, mua quần áo, giày dép… và không phải ai cũng “kham” nổi.

"Tôi làm nghề bán hàng tự do, nên thu nhập cũng thụ động, cứ đến hết tháng 6 là phải tính dần để gom góp cho con tháng 9 nhập học. Đầu tư cho con học hành là đầu tư cho tương lai. Nên dù ở hoàn cảnh nào, chúng tôi sẵn sàng bớt các khoản chi tiêu để chuẩn bị đầy đủ nhất cho con được đến trường" - chị Kim My (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Chung nỗi lo ấy, chi phí đầu năm học cho con luôn là "bài toán khó" với những lao động có thu nhập thấp. "Chưa tựu trường là vợ chồng tôi đã canh cánh nhiều nỗi lo. Chồng làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Tôi làm công nhân, lương tháng khoảng 5 triệu đồng. Hai con tôi đều đang tuổi ăn, tuổi học. Đứa lớn lớp 11, đứa nhỏ lớp 6.

Để tiết kiệm chi phí, tôi thường tận dụng đồ dùng học tập năm học trước, quần áo. Nhưng các khoản tiền phải đóng, tiền mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... cũng là khoản chi phí lớn. Nhất là năm học này, tiền bảo hiểm y tế tăng so mọi năm" - chị Thanh Nhã (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho hay.

Chia sẻ những nỗi lo ấy, ngành GD&ĐT tích cực vận động xây dựng quỹ khuyến học, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn được đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Mới đây, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức truyền hình trực tiếp lễ trao Học bổng Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang lần thứ 22, năm học 2024 - 2025 cho 110 học sinh tiêu biểu thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 18 em được nhận bảo trợ (3 triệu đồng/suất); 92 em được nhận học bổng khuyến học (1,5 triệu đồng/suất). Tổng kinh phí 192 triệu đồng, do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang tài trợ.

Cùng với đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tổ chức các đoàn tặng quà, học phẩm, trao học bổng cho hàng ngàn học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương trong tỉnh. Những phần quà, suất học bổng đã sẻ chia một phần khó khăn, tạo điều kiện cho các em được tiếp bước đến trường. 

Điểm sáng khuyến học-khuyến tài

Đến nay, hệ thống tổ chức hội khuyến học đã phủ kín toàn tỉnh với 11 hội cấp huyện, 156 hội cơ sở cấp xã (phường, thị trấn); 2.469 chi hội khuyến học (ở khóm, ấp, dòng họ, trường học, tôn giáo); 762 ban khuyến học, trên 337.109 gia đình học tập, 367 dòng họ học tập, 592 đơn vị học tập, 572 cộng đồng học tập.

Hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đều có hoạt động khuyến học - khuyến tài. Quỹ Khuyến học tỉnh và địa phương ngày càng đa dạng, ngoài việc phát triển Quỹ Khuyến học tỉnh, huyện, xã còn có quỹ khuyến học của gia đình, dòng họ và các tổ chức, tôn giáo…

Công tác vận động, quản lý và xét tặng học bổng luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch và có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp. Giai đoạn 2017 - 2022, số tiền đóng góp, ủng hộ cho quỹ khuyến học - khuyến tài tăng lên gần 156 tỷ đồng, tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ 340.338 lượt học sinh, sinh viên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho trên 4.260 học sinh, sinh viên có nguy cơ bỏ học được trở lại trường.

Năm 2023, tổng thu các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài toàn tỉnh đạt 76,2 tỷ đồng (tăng 11,35 tỷ đồng so năm 2022)… Có rất nhiều học sinh, sinh viên được hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài; nhiều em đã nỗ lực trong học tập, phấn đấu thực hiện ước mơ trở thành công dân có ích xã hội…

Là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác khuyến học - khuyến tài, Ban Thường vụ Huyện ủy Thoại Sơn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng xã hội học tập để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng GD&ĐT toàn diện ở địa phương. Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT huyện Thoại Sơn thực hiện tốt công tác huy động học sinh ra lớp; đầu tư trường lớp khang trang theo lộ trình nông thôn mới, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng.

Điểm sáng là, huyện Thoại Sơn có 23 quỹ khuyến học - khuyến tài với tổng nguồn quỹ hơn 23 tỷ đồng. Nổi bật là Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại, ra đời ngày 23/12/2010 thông qua đề xuất ý tưởng của thầy Đặng Thanh Quang (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) và cựu học sinh Lê Văn Nưng (là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh). Mục đích của quỹ học bổng nhằm vận động các nhà hảo tâm đóng góp gửi vào ngân hàng để thu lãi hàng năm, sử dụng cấp học bổng cho học sinh THPT trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Qua 3 đợt vận động, tổng số tiền đóng góp Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại trên 2 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 7/2024, nguồn quỹ đạt 5,2 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu. Từ năm 2014 - 2024, nguồn quỹ đã tổ chức trao 950 suất học bổng cho 950 học sinh THPT ở huyện Thoại Sơn, trị giá 1,1 tỷ đồng. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại 284 suất, Trường THPT Vọng Thê 222 suất, Trường THPT Nguyễn Khuyến 222 suất và Trường THPT Vĩnh Trạch 222 suất.

“Đây là kết quả đáng trân trọng của nhà hảo tâm đã dành cho các em học sinh trên địa bàn huyện. Hy vọng, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại và các nguồn quỹ khác của huyện Thoại Sơn ngày càng phát triển hơn để có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ.

Năm học quan trọng

Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Cũng năm học này, các trường học trên cả nước bắt đầu thực hiện đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp (từ lớp 1 đến 12). Đây cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

An Giang xác định GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đông đảo Nhân dân và phụ huynh, học sinh, sinh viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở rà soát và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về GD&ĐT mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra; quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 và những năm học tiếp theo…

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 cần tập trung. Đó là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới, trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn… Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GD&ĐT.

Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, GD&ĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Cùng với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành GD&ĐT, cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy, cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường

HỮU HUYNH - THANH TIẾN - PHƯƠNG LAN