Hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn

24/06/2020 - 03:13

 - Vĩnh Phú (Thoại Sơn, An Giang) được chọn là xã điểm thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhằm quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương, góp phần thay đổi cảnh quan môi trường. Thực hiện từ năm 2019, mô hình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, khi nhận thức, thói quen của người dân đang được thay đổi từng ngày...

Có thể hiểu, việc phân loại rác tại nguồn là trước khi được mang đến nơi tập kết tiêu hủy, rác sẽ được các hộ gia đình phân loại thành 2 thùng: rác hữu cơ và rác vô cơ. Mô hình nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ, góp phần hạn chế rác thải, xây dựng bức tranh xã nông thôn mới Vĩnh Phú xanh - sạch - đẹp hơn qua từng ngày. Rác vô cơ là các loại rác như: sành sứ, gạch, ny-lon, gỗ… Đây là những loại rác không thể sử dụng được nữa, không thể tái chế mà chỉ có thể mang ra khu chôn lấp rác thải.

Đặc biệt, nó tồn tại trong một thời gian rất lâu mới bị phân hủy. Rác thải hữu cơ là sản phẩm được tạo ra bởi nhiều hoạt động của con người, như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt hàng ngày…

Nguồn chất thải hữu cơ bao gồm thành phần hữu cơ, thải bỏ. Có rất nhiều loại rác thải hữu cơ như: rơm, rạ, thân, cành hoặc lá cây; thực phẩm đã hỏng hoặc thừa như: rau - củ - quả, hoa quả, thịt, cá, trứng…

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Địa điểm được chọn thực hiện mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn là ấp Trung Phú 1 và ấp Trung Phú 2, với 800 hộ dân tham gia. Theo đó, xã đã được đầu tư khu xử lý rác và đưa vào hoạt động năm 2012 với 5 công nhân (2 công nhân thu gom, 3 công nhân phân loại rác).

Vì vậy, việc được chọn làm điểm phân loại rác thải tại nguồn để làm cơ sở nhân rộng mô hình. Trước khi đi vào thực hiện phân loại rác tại nguồn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ địa phương tập huấn cho 800 hộ dân ở 2 ấp thực hiện mô hình điểm.

Việc tập huấn giúp người dân biết cách phân loại rác vô cơ, hữu cơ để bỏ rác đúng vào thùng phân loại. Các hộ dân tham gia rất đông và ý kiến khá nhiều về việc phân loại rác tại nguồn. Bước đầu, mô hình nhận được sự quan tâm tích cực từ người dân.

Ngoài tập huấn, địa phương gắn thêm 10 bảng phân loại rác tại nguồn trên đoạn đường thuộc 2 ấp nhằm tuyên truyền, cổ động trực quan, sinh động; đồng thời treo 4 băng-rôn, phát 700 tờ bướm hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ”.

Hiện, địa bàn 2 ấp thí điểm được bố trí 100 thùng rác vô cơ (Phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ) và 400 thùng rác hữu cơ (UBND xã và người dân đóng góp). Công nhân thu gom rác đúng quy định đảm bảo nhu cầu bỏ rác của người dân. Bình quân hàng ngày thu gom từ 2,5-3 tấn rác hữu cơ. Còn rác vô cơ, công nhân thu gom mỗi tuần/lần.

Có thể nói, việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần, túi ny-lon khó phân hủy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thói quen phân loại rác tại các hộ gia đình không phải là chuyện “Một sớm một chiều”.

Qua kiểm tra định kỳ, thời gian đầu, các hộ dân bỏ rác chưa đúng; rác vô cơ còn bị bỏ chung với rác hữu cơ. Vì vậy, việc duy trì công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình cần được tích cực thực hiện và duy trì thường xuyên.

Là người rất đồng tình với mô hình phân loại rác tại nguồn, chú Huỳnh Văn Thu (sinh năm 1950, ngụ ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ khác trên địa bàn không hề biết việc phân loại rác hữu cơ, vô cơ. Thường, những loại rác như: vỏ chai sành, sứ, thủy tinh… tôi sẽ chôn xuống đất; lá cây thì gom lại để đốt.

Đến khi được tập huấn, tuyên truyền thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, tôi thấy mô hình rất hay và ý nghĩa. Nó không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp mà còn rèn luyện ý thức và thói quen bỏ rác văn minh cho người dân.

Với ý nghĩa đó, tôi thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con cháu mình phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng để công nhân thu gom đỡ vất vả khi phải phân loại lại. Hy vọng rằng, mô hình sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để xây dựng Vĩnh Phú là vùng quê văn minh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Trung Hiếu, thời gian tới, các đoàn thể, mặt trận địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở những nơi để rác vẫn chưa đúng với việc phân loại, nhằm tạo chuyển biến dần trong dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Bên cạnh đó, địa phương sẽ trang bị thêm thùng rác vô cơ và sọt rác hữu cơ để phục vụ nhu cầu bỏ rác của các hộ gia đình; đồng thời tiến tới sơ kết, tổng kết mô hình để rút kinh nghiệm thực hiện nhân rộng.

PHƯƠNG LAN