10 năm trước, ông Đức đã chuyển vài công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nhiều nhất là dưa leo. Sau nhiều mùa vụ thấy trồng dưa leo mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Đức đã mạnh dạn chuyển đổi hết diện tích đất lúa còn lại và mướn thêm đất để trồng dưa leo. Hiện, diện tích trồng dưa leo của ông Đức hơn 10 công đất với 3 vụ trồng/năm.
“Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là giải pháp thật sự cần thiết hiện nay, vì thế tôi quyết định chuyển sang trồng dưa leo. Hiệu quả từ loại cây ngắn ngày này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, nhờ năng suất cao, dễ tiêu thụ lại không nặng công chăm sóc như nhiều loại cây trồng khác” - ông Đức cho biết.
Chính sự quyết tâm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tinh thần chịu khó học hỏi, cần cù trong lao động sản xuất, người nông dân ấy đã mang lại cuộc sống ổn định hơn cho gia đình so thời gian trước. Ông Đức là một trong những nông dân sản xuất tiêu biểu của địa phương.
Chỉ tay về đoạn đường nội đồng ở phía trước nhà, ông Đức cho biết, trước đây con đường này nhỏ và khó đi lắm. Giờ đường sá được làm mới khang trang, rộng rãi, xe tải chạy vô dễ dàng nên việc vận chuyển, thu mua nông sản của bà con nông dân ở đây thuận tiện hơn trước rất nhiều. Vào các vụ mùa thu hoạch, thương lái sẽ đến tận ruộng để thu mua, các công việc diễn ra rất nhanh chóng và tiện lợi.
Ruộng dưa leo của ông Đức mang lại nguồn thu nhập ổn định
Dẫn chúng tôi thăm ruộng dưa leo vào cuối vụ, ông Đức tự tin hái 1 trái dưa rồi cho ngay vào miệng ăn rất ngon lành. Ông Đức nói rằng, dưa nhà trồng, sạch lắm. “Dưa leo là loại cây rất dễ trồng, hợp với thổ nhưỡng ở đây, năng suất cao và tiêu thụ khá thuận lợi. Một vụ dưa leo kéo dài trên 2 tháng, sau thời gian trồng khoảng hơn 1 tháng cho thu hoạch. Một năm, tôi trồng được 3 vụ dưa leo. Trồng dưa leo thành công nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và gieo trồng dưa leo mật độ thích hợp.
Sau mỗi vụ thu hoạch, khâu làm đất rất quan trọng, phải dọn sạch cỏ dại, cây trồng tàn dư, gom hết thân lá phơi đốt để phòng trừ dịch bệnh về sau. Hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, trồng nông sản sạch, dưa leo ruộng tôi chủ yếu được bón phân chuồng và thuốc trừ sâu sinh học nên cho trái rất ngọt” - ông Đức chia sẻ thêm.
Dưa leo tuy là loại dễ trồng nhưng trong giai đoạn phát triển, nếu không chăm sóc cẩn thận, bón phân, tưới nước tốt thì dưa leo dễ gặp bệnh thối lá, thối cọng, dễ lây lan, làm ảnh hưởng các liếp dưa, từ đó sẽ làm giảm năng suất trái dưa leo. Vì dưa leo là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của thị trường nên “đầu ra” của dưa leo tương đối ổn định. Giá bán trung bình từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Đôi khi dưa leo chỉ có giá 3.000 đồng/kg do “dội chợ”.
Song theo ông Đức, với mức giá này nông dân không bị thua lỗ nhiều; nếu rơi vào thời điểm trúng mùa, được giá thì nông dân thu lợi nhuận khá cao. Trung bình 1 công dưa leo, ông Đức thu hoạch được hơn 4 tấn. Trong vòng 1 năm canh tác, trừ hết các khoản chi phí sản xuất, ông Đức thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
“Nhận thấy đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhiều nông dân xã Bình Thành đã chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng dưa leo, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy hiệu quả kinh tế cao, nhưng để dưa leo phát triển bền vững, cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và hướng dẫn đầy đủ quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc để nông dân có kiến thức trong sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác.
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn nhờ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát triển được kinh tế gia đình, cuộc sống ổn định hơn trước nhiều. Tới đây, 9 hộ nông dân sẽ được giải ngân từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 105 triệu đồng, nhằm tạo điều kiện trong chuyển đổi diện tích cây trồng” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết.
Với ruộng dưa leo của ông Đức, vào mùa thu hoạch còn tạo thêm việc làm cho khoảng 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức thu nhập trung bình 200.000 đồng/người/ngày.
|
PHƯƠNG LAN