Hiệu quả tín dụng chính sách ở Châu Phú

16/08/2022 - 03:59

 - Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho thấy, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên địa bàn huyện Châu Phú  (tỉnh An Giang) đã có trên 60.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Phòng Giao dịch NHCSXH huyện.

Từ đó, góp phần giúp trên 15.300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3.532 lao động trong nước và 230 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Phú từ 7,3% năm 2002 xuống còn 3,76% năm 2021.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn giúp trên 12.700 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, cải tạo trên 18.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây 12 căn nhà ở xã hội và 2.161 căn nhà cho hộ nghèo…

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế và xã hội, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giúp 3 lượt doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 115 lao động.

Để vốn tín dụng chính sách được đến đúng đối tượng thụ hưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Theo đó, đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Phú đã ủy thác 15/17 chương trình tín dụng chính sách qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của huyện. Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể đạt trên 382 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ toàn huyện, với 341 tổ tiết kiệm và vay vốn được xây dựng đến từng khóm, ấp trên toàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân, do các tổ chức này cùng các trưởng khóm, ấp là người trực tiếp tham gia bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như theo dõi việc sử dụng vốn của hộ vay. Còn các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi dễ dàng.

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, các đoàn thể còn phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn hộ vay vốn về cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo”.

Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Do đó, UBND huyện Châu Phú đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện và chính quyền các xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ cấp trên và quan tâm đầu tư nguồn lực ở địa phương hỗ trợ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện về các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn vốn để tiếp tục phát huy năng lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn nữa đối với các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và vai trò hoạt động của NHCSXH đến nhân dân. Có giải pháp lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

“UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên tiếp tục chỉ đạo thực hiện đúng quy định về công tác bình xét đối tượng vay vốn, xác nhận đối tượng vay vốn, làm cơ sở để Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phê duyệt cho vay. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả cao” - ông Nguyễn Văn Bé Tám thông tin.

MỸ LINH