Hiệu quả Tổ rút úng vùng bờ bao Tân An - Tân Thạnh

02/10/2024 - 07:34

 - Từ năm 2008 đến nay, Tổ rút úng vùng bờ bao Tân An - Tân Thạnh đã hỗ trợ nông dân sản xuất, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tân An, Tân Thạnh (TX. Tân Châu) trong nhiều nhiệm kỳ qua.

Cánh đồng vùng bờ bao sản xuất Tân An - Tân Thạnh có diện tích lên đến 1.100ha. Do có độ dốc, nên mỗi khi nước rút, khu vực phía Bắc khô trước, khu vực phía Nam nước mênh mông. Chính đặc điểm này, cần có 1 Ban Điều hành của vùng để điều phối công việc, hỗ trợ rút úng cho Nhân dân sản xuất.

 Ngoài ra, trong vùng có 4 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, sản xuất 3 vụ/năm. Từ năm 2008 trở về trước, mỗi lần đến vụ sản xuất hè thu, thu đông, vùng này thường xảy ra tình trạng ngập úng. Nguyên nhân do các HTX trên địa bàn thiếu liên kết trong tổ chức rút úng. Xuất phát từ tình hình trên, UBND huyện Tân Châu (thời đó) đã chỉ đạo UBND 2 xã Tân An - Tân Thạnh tổ chức họp dân, bầu ra Ban Điều hành rút úng của vùng. Ý tưởng này được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ban có 8 thành viên, Trưởng ban là Chủ tịch UBND xã Tân An, Phó Trưởng ban là Chủ tịch UBND Tân Thạnh.

Tổ thường trực rút úng vùng bờ bao sản xuất Tân An - Tân Thạnh thường xuyên họp bàn để phục vụ tốt nhất cho Nhân dân

Theo đó, Ban Điều hành thành lập Tổ thường trực rút úng vùng bờ bao sản xuất Tân An - Tân Thạnh, do ông Hà Văn Ân (năm nay 70 tuổi) làm tổ trưởng, chuyên chăm lo công tác rút nước trên đồng, mỗi khi xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất của Nhân dân.  “Chi phí rút úng hàng năm do Nhân dân quyết định. Hiện, mỗi công đất sản xuất, Nhân dân đóng góp 4kg lúa/vụ. Số tiền này dùng vào việc trả tiền điện, sửa chữa máy bơm và các khoản chi phí khác cần thiết. Tất cả những người trong tổ làm không có lương, chỉ có chi phí đi lại. Sau mỗi vụ, chúng tôi công khai tài chính để dân biết, cho ý kiến tiếp theo…” - ông Hà Văn Ân chia sẻ.

Phấn đấu không mệt mỏi, chuyên làm 1 nhiệm vụ duy nhất của tổ là rút nước, chống ngập úng trên đồng, bảo vệ sản xuất của Nhân dân. Những thành viên nơi đây làm việc, nhưng không được hưởng lương. Thế nhưng, họ vẫn gắn bó, phục vụ Nhân dân ròng rã 16 năm qua. “Từ khi Ban Điều hành rút úng ra đời, tình trạng ngập úng trong sản xuất không còn, góp phần thực hiện thắng lợi 3 vụ sản xuất trong năm, làm tiền đề quan trọng cho địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, góp phần làm cho sản xuất của nông dân trong vùng đạt hiệu quả cao hơn” - ông Trịnh Văn Dứt, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh) chia sẻ.

 “Tổ rút úng nhận được sự tín nhiệm rất cao của Nhân dân trong vùng. Các thành viên trong tổ lấy việc phục vụ làm niềm vui, luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân để điều chỉnh hoạt động của mình. Tài chính được công khai, minh bạch, phục vụ tận tâm, nên Nhân dân rất ưng ý. Ngoài đóng góp lúa để làm chi phí rút úng, Nhân dân còn cho thêm 1 công đất sản xuất 1kg lúa để chăm lo công tác khuyến học ở 2 địa phương. Đây là những điểm son trong công tác phát huy dân chủ ở cơ sở” - ông Nguyễn Văn Rượu (Phó Chủ tịch UBND xã Tân An) nhận xét. 

MINH HIỂN