Hiệu quả từ mô hình trồng sen

23/06/2021 - 03:41

 - Cùng với cây lúa, nhiều nông dân trên địa bàn An Giang những năm qua đã linh động tìm kiếm các loại cây trồng khác để thay thế, với mong muốn mang lại thu nhập cao hơn. Trong đó, mô hình trồng sen lấy gương phát huy nhiều ưu điểm nổi bật, như: dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định... giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế khả quan

Khả năng thích nghi tốt

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Tèo (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) chủ yếu canh tác lúa, nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết biến đổi thất thường; sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của gia đình anh nằm ngoài đê bao nên thường xuyên bị ngập úng do mực nước dâng cao...

Từ những khó khăn trên, anh Tèo quyết định chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. “Mấy năm gần đây, tôi nhận thấy chi phí sản xuất lúa mỗi năm cứ tăng thêm mà sản lượng sụt giảm. Đối với vụ lúa hè thu và thu đông, năng suất không cao, trong khi đó, chi phí đầu tư cho vụ mùa sản xuất khá nhiều nên thu nhập rất bấp bênh. Thấy nhiều nơi trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển sang loại cây trồng này” - anh Tèo bộc bạch.

Hơn 3 năm trồng sen bán gương, anh Tèo đánh giá đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, loại cây trồng này rất thích hợp với những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể canh tác liên tục trong năm.

“Trước khi xuống giống phải làm đất kỹ rồi mới cho nước vào để xuống giống. Tùy theo kỹ thuật từng người mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200-300 bụi/công. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch gương kéo dài trong khoảng 2-3 tháng và có thể thu hoạch liên tục 1 tháng tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất, có thể tiến hành trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp” - anh Tèo chia sẻ.

Trong quá trình canh tác, chỉ cần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần/vụ, do đó chi phí đầu tư cho trồng sen thấp hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Theo anh Tèo, trồng sen lấy gương phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen sẽ bị nhiều hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt.

Hiệu quả kinh tế khá

Ngoài những ưu điểm về phương pháp canh tác, trồng sen cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Anh Tèo cho biết, sen cho năng suất bình quân 700-800kg gương mỗi công (1.000m2). Giá mặt hàng này ổn định, từ 12.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt có những thời điểm, giá gương sen tăng rất cao, từ 50.000-60.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư 1 công sen khoảng 1,5 triệu đồng, người trồng sen có thu nhập khá.

Anh Tèo chia sẻ thêm, giá gương sen thường cao vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do người dân thu mua số lượng lớn để làm các loại bánh, mứt nên hút hàng. Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua. Do đó, nông dân không phải “chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra so với các loại cây trồng khác. “Từ lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giá gương sen có dấu hiệu “giảm xuống” do thị trường tiêu thụ chậm. Tuy nhiên hiện nay, giá mặt hàng này đang nhích lên nên người trồng sen an tâm phần nào” - anh Tèo nhận định.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, mô hình này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Từ kết quả đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả, diện tích ao, hồ, đất lung... để phát triển mô hình trồng sen. Mô hình trồng sen trên đất lúa ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân còn góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập 150.000-300.000 đồng/người/ngày.

ĐỨC TOÀN

Không dừng lại ở việc dùng hạt, củ, ngó, bông... người dân còn sử dụng lá sen thay thế bọc ny-lon, vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường. Do tận dụng được hầu hết sản phẩm từ sen, người canh tác có thể an tâm về hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.