Hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông mới

04/02/2020 - 03:45

 - Năm học 2020-2021, An Giang chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh. Để việc triển khai được thuận lợi và mang lại hiệu quả tích cực, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các hội nghị triển khai, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của ngành.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan, ban, ngành các cấp và đội ngũ quản lý ngành GD&ĐT tỉnh về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng vào các cơ sở giáo dục từ tháng 8-2020 (đầu năm học 2020-2021) và những năm tiếp theo, thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT đã tổ chức chương trình bồi dưỡng cho 600 cán bộ quản lý từ cấp tiểu học đến cấp THPT.

Chương trình bồi dưỡng được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn (thành viên Ban biên soạn chương trình) trực tiếp đến hướng dẫn giáo viên nắm vững nội dung, kết cấu, giá trị cốt lõi và cách tiếp cận, áp dụng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Chương trình mới hướng đến việc giúp học sinh ứng dụng kiến thức vào cuộc sống nhiều hơn

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có sự chuyển đổi sâu so với chương trình hiện hành, sẽ trả lời được câu hỏi học sinh học xong sẽ biết gì, học xong sẽ làm được gì. Chương trình sẽ cụ thể hóa mục tiêu là giúp học sinh làm chủ kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có cuộc sống ý nghĩa và góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội và nhân loại.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới còn có tính liên thông xuyên suốt giữa các cấp học, bậc học, giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản về phẩm chất và đạo đức cần thiết trong học tập và trong sinh hoạt. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục An Giang cần nhận thức đúng và đầy đủ về chương trình để làm tiền đề quan trọng cho việc triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới ở các cơ sở giáo dục.

Theo dự án phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2 của tỉnh, các cấp học đều có những mục tiêu, chương trình tổng thể, các chương trình môn học đổi mới theo từng cấp học. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Các môn học được điều chỉnh gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm. 

Ở cấp tiểu học, hoạt động trải nghiệm hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hàng ngày, chăm chỉ lao động, thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương, biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân, hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa, có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

Điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới còn đưa ra định hướng về phương pháp giáo dục, giáo viên khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được để phát triển.

Cùng với đó là thay đổi định hướng về đánh giá kết quả giáo dục, dựa trên định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục. Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, đồng thời hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình và xã hội.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG