Hình mẫu hợp tác xã ở nông thôn mới

22/06/2023 - 06:47

 - Không chỉ là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới của tỉnh An Giang, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, nông dân; HTX nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) còn phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

HTX nông nghiệp Phú Thạnh được thành lập năm 2005 trên cơ sở hợp nhất 3 HTX: Đức Lộc, Phú Cường và Trường Thạnh. Đến nay, có 389 thành viên, góp vốn 27.000 cổ phần, tổng vốn góp 2,7 tỷ đồng, hàng năm, hoạt động đều có lợi nhuận và tích lũy. Cụ thể, tổng nguồn vốn HTX hoạt động hơn 11,6 tỷ đồng, sản xuất - kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, đa dịch vụ (sản xuất, xây dựng, thương mại - dịch vụ, dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp). Trong đó, nổi bật là dịch vụ sản xuất lúa, nếp giống; sản xuất lúa, nếp theo tiêu chuẩn an toàn; liên kết bao tiêu sản phẩm; cửa hàng nông sản xanh…

Nông dân đến tìm hiểu các sản phẩm tại Cửa hàng nông sản xanh của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, đơn vị được quy hoạch là vùng sản xuất chuyên canh nếp của huyện Phú Tân, với diện tích đất trồng lúa, nếp 1.700ha. Những năm gần đây, sản xuất lúa, nếp có nhiều chuyển biến tích cực nhờ chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”, cán bộ ngành nông nghiệp đồng hành với nông dân kịp thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất...

Từ đó, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp ngày càng được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và một số công ty khác tiêu thụ lúa, nếp xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU, giúp thu nhập của người trồng lúa ngày càng ổn định.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, HTX nông nghiệp Phú Thạnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam (GIC Việt Nam) thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững SRP. Nông dân rất tâm đắc với mô hình này vì nhiều lợi ích thiết thực đem lại.

Ông Trần Quí Nhân (thành viên có ruộng thực hiện mô hình) cho biết, nông dân đã nâng cao ý thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chú trọng chất lượng sản phẩm làm ra. Cụ thể, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quy trình sạ thưa 120kg giống/ha kết hợp trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng. Sau 100 ngày, các ruộng mô hình phát triển tốt, năng suất thực tế 7,6 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9 triệu đồng/ha.

Kho ủ phân bón hữu cơ - một trong những sản phẩm mới được Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh sản xuất trong năm nay

“Mới đây, HTX được tập huấn để sản xuất thêm sản phẩm mới phục vụ trong nông nghiệp là phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ. Trong đó, GIC hỗ trợ máy ủ trộn phân hữu cơ trị giá hơn 400 triệu đồng và HTX ủ mẻ đầu tiên. Chúng tôi còn chuẩn bị cho việc tham gia sản xuất trong đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”. Nối tiếp năm 2024, HTX dành khoảng 5ha trồng lúa tím có nguồn gốc ở Óc Eo để sản xuất gạo lứt. Mỗi đợt tham gia các chương trình, hội thảo của tỉnh, tôi được mở mang tầm nhìn và có thêm những ý tưởng mới.

Đơn cử tháng trước, tham quan trưng bày sản phẩm trong một hội thảo, HTX quyết định trang bị thêm máy tách màu hạt gạo, phục vụ sản xuất gạo thuần không còn tạp lẫn. Kế đến sẽ là máy đóng gói may bao tự động; máy sạ cụm nhằm giảm lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… theo tiêu chuẩn SRP, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Hiện nay, HTX có cửa hàng nông sản xanh trưng bày phân bón, gạo, thuốc bảo vệ thực vật… Chúng tôi sẽ bổ sung thêm các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để bán phục vụ người dân, mở rộng khách hàng” - ông Trần Văn Lô Ba chia sẻ.

Là một trong những thành viên gắn bó với HTX nhiều năm nay, ông Đỗ Thành Lộc bày tỏ: “Ban Giám đốc luôn tìm cách để thành viên ngày càng có lợi. Trong đó, nắm bắt kịp thời thành quả của khoa học - công nghệ, trang bị máy móc để phục vụ các dịch vụ của HTX. Ngoài nhân sự tại chỗ, mỗi lĩnh vực, Ban Giám đốc tạo điều kiện để người giỏi từ nhiều nơi để phối hợp thực hiện, góp phần đổi mới hoạt động của đơn vị”.

HTX đạt hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh đóng góp phát triển kinh tế địa phương và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ngoài ra, mỗi năm, HTX còn đóng góp các nguồn quỹ an sinh xã hội ở địa phương khoảng 100 triệu đồng, hỗ trợ cất 5 căn nhà cho công nhân (25 triệu đồng/căn)…

Từ những kết quả đạt được, HTX nông nghiệp Phú Thạnh đang tích cực trong đổi mới để phát huy tiềm năng, lợi thế. Ban Giám đốc cho hay, sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại thông qua các giải pháp tuyên truyền, vận động thành viên và nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện tốt các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ.

Ngoài ra, HTX đang đổi mới về nhân lực, cần thêm nhân sự trẻ, nhiệt huyết để đưa luồng gió mới “tiếp sức” cho bộ máy quản lý vận hành linh hoạt theo xu thế, nhất là khâu giới thiệu sản phẩm, truyền thông và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội.

Những năm qua, HTX nông nghiệp Phú Thạnh vinh dự được Chính phủ và UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào nhiều năm liền. Đặc biệt, được Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương xét chọn là đơn vị nằm trong “Top 100 HTX điển hình tiên tiến cả nước năm 2021”. Đồng thời, được UBND tỉnh An Giang đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2022.

MỸ HẠNH