Hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn

08/06/2023 - 06:47

 - UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch 376/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển Giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

So với các địa bàn khác trong tỉnh An Giang, các huyện vùng núi, biên giới gặp rất nhiều khó khăn, trong đó việc đầu tư cho giáo dục đặc biệt là giáo dục mầm non vẫn chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo TX. Tịnh Biên cho biết: “Hiện nay, toàn thị xã có 22 trường mầm non và mẫu giáo, trong đó có 3 trường mầm non và mẫu giáo tổ chức thêm điểm phụ. Các phòng học đạt chuẩn kiên cố và bán kiên cố. Các đồ dùng dạy học cho trẻ, đồ chơi trong nhà và ngoài trời được trang bị tốt theo Thông tư 02 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định. Tuy nhiên, đối với các lớp mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ vẫn còn nhiều thiếu thốn. Các trường học đang đẩy mạnh vận động xã hội hóa, cố gắng trang bị sớm cho trẻ vui chơi”.

Một khó khăn khác được Phòng GD&ĐT TX. Tịnh Biên cho hay là tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Tổng tỷ lệ chung hiện nay của thị xã đạt bình quân 1,28 giáo viên/lớp học, thấp hơn so quy định. Nguyên nhân do địa phương không thể tuyển đủ và phân bổ giáo viên mầm non về các trường. Với lượng giáo viên hiện hữu, phòng cố gắng bố trí đảm bảo phù hợp quy mô của từng lớp học, nhóm trẻ theo từng lứa tuổi.

Hàng năm, các giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cấp sở, cấp phòng và phổ biến cho các giáo viên tại đơn vị. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa phương. Với phương châm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường tiếng Việt cho trẻ Khmer, chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn ngày càng nâng cao, giúp 14/14 phường, xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, với đặc thù ở một số xã có địa bàn rộng, khó khăn như xã An Cư, việc học mầm non của trẻ cũng lắm gian truân. Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã An Cư, TX. Tịnh Biên) Ôn Thị Hà cho biết: “Trường có 5 lớp học, với 118 trẻ đến lớp hoàn toàn là người dân tộc thiểu số Khmer. Nhằm tạo điều kiện cho các em sống cùng gia đình trên núi, phum sóc được đến trường thuận lợi hơn, chúng tôi bố trí 2 lớp học tại điểm chính gần trung tâm xã và 2 điểm phụ thông qua mượn phòng học tạm của điểm phụ, điểm chính Trường Tiểu học “C” An Cư. Cơ sở vật chất xuống cấp nhiều năm tại các phòng mượn tạm, thiếu đồ chơi trong nhà, đồ chơi vận động ngoài trời làm giảm sức hút, chất lượng giáo dục.

Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc, việc vận động phụ huynh cho trẻ 3 tuổi, 5 tuổi đến lớp vốn khó, song không đủ cơ sở vật chất sẽ khó lòng tăng sự đam mê, cố gắng đến trường của các em”. Với những khó khăn trên, cô Hà mong rằng, công tác giáo dục mầm non tại địa phương sớm được quan tâm, được hỗ trợ đầy đủ cơ sở vật chất hơn nhằm tạo điều kiện cho trẻ học tập, vui chơi được tốt hơn.

Từ những khó khăn thực tế được ghi nhận và tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh An Giang thống nhất phê duyệt chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 15% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non phù hợp điều kiện địa phương và đặc điểm riêng của trẻ.

Phấn đấu đến năm 2025, bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; 50% trở lên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu xóa bỏ phòng học nhờ, phòng học tạm, xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, cân đối kinh phí hàng năm theo các chương trình mục tiêu để bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới, phòng học thay thế phòng mượn và phòng học mới do tăng quy mô, số lượng…

Để thực hiện chương trình trên, UBND tỉnh An Giang đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai Chương trình giáo dục mầm non phù hợp vùng khó khăn, đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em...

Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các ngành chuyên môn, liên quan như Sở GD&ĐT, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính…

 TRÚC PHA